SKĐS - Nâng cao năng lực mạng lưới y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối cũng như hỗ trợ việc tái lập sự cân bằng hợp lý giữa các thành tố trong chuỗi chăm sóc sức khoẻ, qua đó góp phần quan trọng vào mục tiêu giảm quá tải bệnh viện...
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng khẳng định, y tế cơ sở có vai trò cực kỳ quan trọng trong hệ thống y tế. Hiện cả nước có khoảng 11.400 trạm y tế xã, phường, thị trấn và đây là mạng lưới y tế gần dân nhất, là tuyến đầu trong bảo vệ chăm sóc sức khỏe cộng đồng.
Theo Chủ tịch nước, nếu trạm y tế cơ sở làm tốt sẽ góp phần quan trọng để giảm tải cho tuyến trên và quan trọng hơn là giảm chi phí, thời gian cho người dân khi khám và điều trị bệnh, nhất là các loại bệnh mãn tính có thể điều trị tại cơ sở.
Chủ tịch nước nhấn mạnh, năm 2023, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ban hành Chỉ thị về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới. Vì vậy, cấp uỷ, chính quyền, lãnh đạo huyện, tỉnh và các đơn vị ngành y tế phải quán triệt để lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện tốt các nội dung, nhiệm vụ trong Chỉ thị của Ban Bí thư.
Liên quan đến nội dung về y tế cơ sở, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã phỏng vấn PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế.
Ý nghĩ to lớn của Chỉ thị số 25 đối với sự phát triển của y tế cơ sở trong thời gian tới
- Mới đây, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 25 về tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới với nhiều điểm mới rất nổi bật. Xin bà cho biết những điểm mới này được xây dựng dựa trên cơ sở nào và ý nghĩa của Chỉ thị số 25 đối với sự phát triển của y tế cơ sở trong thời gian tới?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Những nội dung mới trong Chỉ thị 25 của Ban Bí thư tiếp tục củng cố, hoàn thiện, nâng cao chất lượng hoạt động của y tế cơ sở trong tình hình mới đã xác định những định hướng ưu tiên mới (về cam kết chính trị, chính sách và hành động liên ngành, bộ máy tổ chức, phương thức hoạt động, chiến lược đầu tư, chiến lược phát triển nhân lực…) dựa trên những chuyển đổi hết sức quan trọng, bao gồm:
Về xác định ưu tiên: đối với công tác chăm sóc sức khoẻ/ chăm sóc sức khỏe ban đầu, y tế cơ sở cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay. Về phương thức chăm sóc sức khỏe chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang chăm sóc sức khỏe toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe (kinh tế, xã hội, môi trường) .
Về đầu tư cho y tế cơ sở: chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư cho chăm sóc sức khỏe ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.
Cách tiếp cận mang tính hệ thống: không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới y tế cơ sở mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng.
Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, có ba yếu tố cực kỳ quan trọng, ảnh hưởng có tính chất quyết định đến sự thành bại của quá trình đổi mới mạng lưới chăm sóc sức khỏe ban đầu: thứ nhất, có cam kết chính trị mạnh mẽ; thứ hai, có chương trình đổi mới hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật, và thứ ba có nguồn lực tài chính đầy đủ để thực hiện chương trình đổi mới.
Chỉ thị số 25 của Ban Bí thư, với những định hướng chiến lược mới phù hợp với xu hướng chuyển đổi có tính chất toàn cầu về chăm sóc sức khỏe ban đầu cũng như phù hợp với điều kiện thực tế của Việt Nam được kỳ vọng sẽ tạo động lực mạnh mẽ và bền bỉ hơn đối với sự phát triển của mạng lưới Y tế cơ sở trong thời gian tới thông qua việc đồng thời đảm bảo cả 3 yếu tố nêu trên, cụ thể:
Về cam kết chính trị, Chỉ thị số 25 không chỉ dừng ở mức độ cam kết ủng hộ chính trị mà đặt ra quyết tâm chính trị để hiện thực hóa các mục tiêu liên quan tới Y tế cơ sở.
Về kỹ thuật, Chỉ thị số 25 xác định rõ những nội dung ưu tiên (hay những can thiệp cốt lõi) trong thời gian trước mắt cũng như trong trung và dài hạn nhằm liên tục phát triển và đổi mới mạng lưới y tế cơ sở.
Về tài chính, Chỉ thị số 25 nhấn mạnh vai trò chủ chốt của Nhà nước cũng như trách nhiệm đảm bảo nguồn tài chính đẩy đủ ở cấp độ Quốc gia cũng như cấp độ địa phương để đầu tư thỏa đáng cho y tế cơ sở.
Y tế cơ sở được xem là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân đang gặp phải những thách thức không nhỏ liên quan tới sự gia tăng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và kỳ vọng về chất lượng dịch vụ y tế; sự thay đổi mô hình bệnh tật với sự gia tăng của các bệnh không lây nhiễm; tốc độ già hóa dân số; mối đe dọa ngày càng tăng của các bệnh dịch mới nổi; tác động bất lợi của biến đổi khí hậu và công nghiệp hóa cùng xu hướng chi phí y tế ngày càng tăng cao...
Bên cạnh đó, xét chung trên bối cảnh toàn cầu, hiên nay người ta nói nhân loại đang bước vào kỷ nguyên VUCA, với các đặc tính Biến động (Volatility), Không chắc chắn (Uncertainty), Phức tạp (Complexity) và Mơ hồ (Ambiguity).
Điều này đòi hỏi mọi Hệ thống Y tế phải có nền tảng bền vững (về cấu trúc, nhân lực, kỹ thuật và tài chính) đồng thời cần linh hoạt, sáng tạo và liên tục đổi mới nhằm tăng cường khả năng thích ứng và sức chống chịu với những thách thức mới.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 có hai thuộc tính cơ bản, có là tính Kế thừa và Phát triển, theo đó Chiến lược được xây dựng dựa trên sự kế thừa những định hướng lâu dài mang tính nền tảng (như định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển) mà chúng ta đã xác định trong nhiều năm qua đồng thời bổ sung những định hướng phát triển mới phù hợp với yêu cầu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới.
Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 được xây dựng dựa trên 5 quan điểm cơ bản, cụ thể:
Thứ nhấtlà quan điểm về phát triển hệ thống y tế: kế thừa định hướng công bằng, hiệu quả và phát triển nhưng bổ sung thêm một số định hướng mới (như tính minh bạch và trách nhiệm giải trình, khả năng chống chịu và duy trì bền vững) để đảm bảo sự thích ứng linh hoạt và hiệu quả của hệ thống y tế trong giai đoạn mới (có nhiều yếu tố biến động phức tạp cũng như có nguy cơ về các cú sốc ảnh hưởng tới an ninh y tế), đồng thời xác định rõ sự phát triển và đổi mới hệ thống y tế phải nhằm hướng tới mục tiêu mong muốn là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Thứ hai là quan điểm về nguyên tắc chăm sóc sức khỏe (nhấn mạnh các yếu tố công bằng, giá trị con người, chất lượng và sự bảo vệ tài chính), theo đó chăm sóc sức khỏe phải dựa trên nhu cầu (chứ không căn cứ vào sức mua) và cần lấy người dân làm trung tâm để bảo đảm mọi người dân được tiếp cận các dịch vụ và sản phẩm y tế có chất lượng với chi phí hợp lý.
Thứ ba là quan điểm về phương thức chủ chốt để đảm bảo chăm sóc sức khỏe hiệu quả (với trọng tâm công bằng, hiệu quả chi phí và an toàn trong tình huống khẩn cấp), bao gồm phòng bệnh hơn chữa bệnh; chăm sóc sức khỏe từ sớm ngay tại cơ sở; ứng phó kịp thời với đại dịch và các tình huống khẩn cấp về an ninh y tế; và khẳng định vai trò chủ chốt của Nhà nước trong việc bảo đảm các dịch vụ y tế cơ bản.
Thứ tưlà quan điểm về công tác dân số, theo đó cần chú trọng toàn diện các mặt của công tác dân số (quy mô, cơ cấu, phân bố và chất lượng dân số), tận dụng tối đa cơ hội (cơ cấu dân số vàng) và thích ứng hiệu quả vớ thách thức (già hóa dân số).
Thứ năm là quan điểm về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe theo đó bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe là nghĩa vụ, trách nhiệm của mỗi người dân, của hệ thống chính trị và toàn xã hội, với nòng cốt là ngành Y tế. Bên cạnh đó, cần phát huy vai trò của khu vực ngoài công lập trong chăm sóc sức khỏe. Quan điểm này hoàn toàn phù hợp với xu hướng có tính chất toàn cầu hiện nay về trao quyền cho cá nhân và cộng đồng nhằm tối ưu hóa sức khỏe, khuyến khích sự phối hợp liên ngành và sự tham gia rộng rãi của các bên liên quan trong chăm sóc sức khỏe.
Y tế cơ sở, với vai trò là nền tảng của hệ thống y tế, được xem là một trong những nội dung ưu tiên hàng đầu trong Chiến lược quốc gia bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân giai đoạn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Do vậy, chúng ta có thể thấy toàn bộ cả 5 quan điểm cơ bản của Chiến lược đều có sự liên quan trực tiếp tới y tế cơ sở, chẳng hạn:
Đối với quan điểm về phát triển hệ thống y tế, y tế cơ sở với chức năng cung ứng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu vốn có đã được minh chứng có ưu thế vượt trội về diện bao phủ, tính công bằng và hiệu quả chi phí được xem là yếu tố nền tảng để đảm bảo định hướng công bằng, hiệu quả trong phát triển Hệ thống Y tế cũng như là phương thức tiếp cận tối ưu để hiện thực hóa mục tiêu cần hướng tới là bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.
Đối với quan điểm về nguyên tắc chăm sóc sức khỏe, y tế cơ sở, với đặc thù dịch vụ chi phí thấp và có mạng lưới phát triển rộng khắp, được xem là trụ cột tin cậy đảm bảo sự công bằng trong tiếp cận và sử dụng các dịch vụ y tế cơ bản cũng như đảm bảo khả năng bảo vệ tài chính.
Đối với quan điểm về phương thức chăm sóc sức khỏe, dự phòng chủ động, chăm sóc và nâng cao sức khỏe tại y tế cơ sở đã được xác định rõ là những phương thức chăm sóc sức khỏe hiệu quả cần được ưu tiên.
Tương tự, quan điểm về trách nhiệm chăm sóc sức khỏe cũng phản ánh xu hướng chuyển đổi có tính chất toàn cầu hiện nay về chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Nâng cao năng lực y tế cơ sở sẽ hỗ trợ hiệu quả việc kìm hãm đà gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối
- Quá tải bệnh viện là vấn đề đã tồn tại nhiều năm nay, theo đánh giá của bà việc nâng cao năng lực y tế cơ sở có thể hỗ trợ như thế nào cho mục tiêu giảm quá tải bệnh viện?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Quá tải bệnh viện khi phân tích trên bình diện cung - cầu dịch vụ y tế đó là tình trạng quá tải bệnh viện được đánh giá là hậu quả của sự kết hợp (hay nói đúng hơn là tác động cộng hưởng) của hai nhóm nguyên nhân chính: Thứ nhất sự thiếu hụt năng lực cung ứng dịch vụ y tế tuyến cuối so với nhu cầu thực tế (cung không đầy đủ) và thứ hai, sự gia tăng quá mức nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (cầu tăng quá mức).
Điều cần lưu ý là sự gia tăng nhu cầu dịch vụ y tế tuyến cuối có thể là thực (tăng cầu thực) do những thay đổi về nhân khẩu học (gia tăng quy mô dân số, tình trạng già hóa dân số…), về mô hình bệnh tật hay có thể là ảo (tăng cầu ảo) do hành vi tìm kiếm, sử dụng dịch vụ y tế tuyến cuối không hợp lý (tìm kiếm dịch vụ khi chưa cần thiết hoặc hoàn toàn không cần thiết). Điều cần lưu ý là sự gia tăng cầu ảo xuất hiện do sự kết hợp phức tạp của nhiều nguyên nhân (năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe ban đầu còn yếu, các bệnh viện tuyến cuối tăng cường thu hút bệnh nhân vì động cơ tài chính, hệ thống chuyển tuyến không hiệu quả, niềm tin của người bệnh đặt vào các bệnh viện tuyến cuối…).
Như vậy, để đạt được sự cân bằng tối ưu giữa cung và cầu dịch vụ y tế tuyến cuối, bên cạnh các nỗ lực gia tăng nguồn cung theo kịp sự gia tăng cầu thực (tăng nguồn cung, cải thiện sự phân bổ các bệnh viện tuyến cuối trên không gian địa lý…), chúng ta cần hạn chế sự gia tăng quá mức cầu dịch vụ y tế tuyến cuối (tăng cường năng lực hệ thống chăm sóc sức khỏe cơ bản và chăm sóc sức khỏe ban đầu, thiết lập hệ thống phân tuyến kỹ thuật và chuyển tuyến hiệu quả, tăng cường can thiệp dự phòng chủ động và nâng cao sức khỏe, tăng cường công tác truyền thông thay đổi hành vi…).
Quá tải bệnh viện khi phân tích trên bình diện chuỗi chăm sóc sức khoẻ. Để đáp ứng một cách tối ưu nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân, chuỗi chăm sóc sức khỏe (bao gồm các thành tố chăm sóc sức khỏe ban đầu, chăm sóc sức khỏe cơ bản, chăm sóc sức khỏe chuyên sâu và sự tương tác giữa các thành tố này) cần được thiết lập và vận hành hiệu quả.
Phân tích về nhu cầu chăm sóc sức khỏe cho thấy chỉ khoảng 20% người dân bị bệnh cần phải nhập viện (trong đó 15% chỉ cần điều trị ở mức độ cơ bản và chỉ 5% là bệnh nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu), còn lại 80% người dân bị mắc bệnh nhẹ hoặc chưa có bệnh chỉ cần các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.
Tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối (vốn được thiết kế để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của bệnh nhân nặng cần điều trị ở mức độ chuyên sâu, ứng với 5% trong phân tích nhu cầu chăm sóc sức khoẻ) xảy ra khi chuỗi chăm sóc sức khỏe hoạt động thiếu hiệu quả, theo đó từng thành tố của chuỗi chăm sóc sức khỏe cũng như sự tương tác giữa các thành tố này trở nên thiếu hiệu quả (Hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu và chăm sóc sức khỏe cơ bản thiếu năng lực, hệ thống chăm sóc sức khỏe chuyên sâu vận hành chưa tối ưu, và sự tương tác giữa các thành tố chăm sóc sức khỏe này thông qua hệ thống chuyển tuyến không thực sự hiệu quả).
Những vấn đề tồn tại trong chuỗi chăm sóc sức khỏe đã khiến hệ thống y tế trở nên thiếu cân bằng, cung ứng dịch vụ phân mảnh và dựa quá nhiều vào hệ thống bệnh viện. Sự quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối và sự hoạt động dưới công suất của hệ thống y tế cơ sở là những biểu hiện rõ của sự mất cân bằng này, hậu quả là hiệu quả sử dụng nguồn lực chung của hệ thống y tế cũng như tác động tới việc cải thiện sức khỏe cộng đồng dân cư bị giảm sút.
Như vậy, để giải quyết căn cơ tình trạng quá tài bệnh viện, chúng ta cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp về quản lý, kỹ thuật và tài chính mang tính hệ thống. Điều này có nghĩa, những can thiệp không chỉ giới hạn tại các bệnh viện tuyến cuối mà còn cần được thực hiện đối với những thành tố khác của hệ thống y tế, đặc biệt là mạng lưới y tế cơ sở.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/nang-cao-nang-luc-mang-luoi-y-te-co-so-gop-phan-quan-trong-vao-muc-tieu-giam-qua-tai-benh-vien-169240226005206938.htm Copy link