A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Ngành Y tế Quảng Ninh: Thực hiện tốt sứ mệnh chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe nhân dân

Thời gian qua, ngành Y tế Quảng Ninh đã nhiều cố gắng trong việc hoàn thành sứ mệnh đặc biệt trong chăm lo sức khỏe nhân dân, góp phần bảo đảm an sinh, phát triển KT-XH của tỉnh. Đặc biệt, các thầy thuốc Quảng Ninh đã có nhiều đóng góp đẩy lùi dịch Covid-19 và nhiều dịch bệnh nguy hiểm, bảo vệ an toàn sức khỏe nhân dân.

 
Khu điều trị bệnh nhân Covid-19 tại Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn, tháng 3/2022.
Nhìn lại những nỗ lực trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19
Trải qua giai đoạn đứng giữa “lằn ranh sinh tử”, ông Lại Ngọc Đức (phường Hùng Thắng, TP Hạ Long) cảm thấy biết ơn khi được các y, bác sĩ Bệnh viện Bãi Cháy tận tình chăm sóc, cứu chữa khi bị mắc Covid-19. Sau gần 2 năm trở lại thăm các y, bác sĩ đã chăm sóc tận tình cho mình, ông Đức rất vui mừng vì được trò chuyện, ngắm nhìn gương mặt của mỗi y, bác sĩ, điều mà bệnh nhân lúc đó không thể khi còn điều trị. Bởi lúc đó, các y, bác sĩ luôn trong trang phục bảo hộ kín mít. Và để cảm ơn, tri ân những tình cảm mà các y, bác sĩ đã dành cho mình, ông Đức đã tự tay vẽ bức tranh phong cảnh quê hương Quảng Ninh thanh bình dành tặng cho các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy).
Hồi tưởng lại khoảng thời gian đó, ông Đức xúc động chia sẻ: “Vào tháng 10/2021, thời điểm dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên cả nước, tôi là một trong những bệnh nhân mắc Covid-19 được chuyển từ Bệnh viện K Tân Triều (Hà Nội) về Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy). Vừa mới phẫu thuật lại mắc Covid-19 nên sức khỏe còn yếu, tôi rất lo lắng khi chuyển từ tuyến Trung ương về tuyến tỉnh. Nhưng khi về Bệnh viện Bãi Cháy điều trị, tôi đã được các y, bác sĩ quan tâm chăm sóc tỉ mỉ, tận tình. Nhất là khi dịch Covid-19 lúc đó rất nguy hiểm, nguy cơ lây lan và tử vong cao nên các bác sĩ theo dõi, chăm sóc kỹ càng và tôi đã khỏi bệnh, sức khỏe hồi phục”.

Ông Lại Ngọc Đức tặng tranh cho các bác sĩ, nhân viên y tế Khoa Bệnh Nhiệt đới (Bệnh viện Bãi Cháy).
Cùng với bệnh nhân Lại Ngọc Đức, trong hơn 3 năm qua, hàng nghìn lượt người mắc Covid-19 đã được các thầy thuốc Quảng Ninh không quản ngại hiểm nguy chăm sóc, điều trị tận tình, khỏi bệnh. Theo thống kê, toàn tỉnh ghi nhận trên 365.000 ca F0; trong đó thu dung, điều trị trên 28 nghìn lượt F0 tại các cơ sở y tế, trên 7.800 lượt F0 tại cơ sở cách ly tập trung; còn lại điều trị, cách ly tại nhà.
Hơn 3 năm qua, với sự quan tâm, chỉ đạo sâu sát của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, ngành Y tế cùng với các sở, ban, ngành, đoàn thể và người dân trong tỉnh đã chung sức, đồng lòng khống chế thành công dịch Covid-19, một đại dịch chưa từng có trong lịch sử. Ngành Y tế với vai trò là lực lượng nòng cốt, tuyến đầu trong công tác phòng, chống dịch đã chủ động củng cố và nâng cao năng lực hệ thống y tế từ tỉnh tới cơ sở, nhất là y tế dự phòng, trạm y tế xã, phường. Ngành đã tham mưu cho tỉnh xây dựng các kịch bản, phương án khoa học, sát thực tiễn, chủ động sẵn sàng ứng phó thường xuyên, nhanh chóng, kịp thời, có hiệu quả với các cấp độ diễn biến của dịch bệnh ngay từ cấp cơ sở; áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong phòng, chống dịch...

Chăm sóc, điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Giai đoạn “Zero Covid”, dù tỉnh ta còn ít ca bệnh nhưng công tác triển khai rất quyết liệt, đòi hỏi toàn ngành Y tế phải huy động lực lượng để tìm ra F0 và bóc tách F0 ra khỏi cộng đồng. Sau đó chuyển sang thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19 là giai đoạn rất khó khăn. Bởi lúc này, số lượng F0 liên tục tăng nhanh. Nhiều giải pháp chuyên môn chưa có trong tiền lệ như giám sát, xét nghiệm, cách ly, phân tầng điều trị, thiết lập các trung tâm hồi sức, các trạm y tế lưu động, điều trị tại nhà... đã được ngành phối hợp triển khai kịp thời, phù hợp, hiệu quả, thích ứng với từng giai đoạn. Để quản lý, điều trị F0 tại nhà, toàn tỉnh đã thiết lập 133 trạm y tế lưu động, 1.401 Tổ chăm sóc F0 tại cộng đồng, 2.253 Tổ Covid cộng đồng cùng với trên 25.000 tình nguyện viên, 1.133 nhóm zalo hỗ trợ F0.
Bảo vệ sức khỏe người dân trước đại dịch Covid-19, tỉnh Quảng Ninh cũng dành nguồn lực rất lớn thực hiện chiến lược tiêm vắc-xin “thần tốc”, chủ động đi trước, làm trước, bảo đảm tuyệt đối an toàn. Quảng Ninh nằm trong nhóm 5 tỉnh có kết quả tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 cao nhất toàn quốc, với trên 4,2 triệu liều vắc-xin đã được tiêm cho các đối tượng theo quy định. Để thực hiện được nhanh nhất, bao phủ vắc-xin rộng khắp toàn tỉnh, hàng nghìn nhân viên y tế, công an, quân đội, cán bộ các sở, ngành và các tổ chức đoàn thể từ tỉnh đến thôn, khu phố đã được huy động tham gia vào các chiến dịch tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19 từ tháng 3/2021 đến nay.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người dân tại Hạ Long. Ảnh chụp tháng 6/2022.
Quảng Ninh với phương châm “Để không ai bị bỏ lại phía sau” đã đi đầu trong việc tổ chức tiêm vắc-xin tới tận nhà cho các đối tượng là người già yếu, bệnh nền, đi lại khó khăn - là những đối tượng có nguy cơ cao lây nhiễm và trở nặng. Cùng với các đối tượng người trưởng thành từ 18 tuổi trở lên, tỉnh cũng sớm triển khai tiêm chủng cho đối tượng trẻ em từ 12-17 tuổi và trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Ngay từ ban đầu khi triển khai tiêm vắc-xin, tỉnh cũng thống nhất, mọi người đều bình đẳng, công bằng trong tiếp cận vắc-xin; tất cả đối tượng có mặt trên địa bàn tỉnh đủ điều kiện sức khỏe đều có quyền tham gia tiêm chủng, không phân biệt hộ khẩu thường trú, quốc tịch.
Ông Nguyễn Văn Tiến (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) cho biết: Xác định bản thân cao tuổi lại có bệnh nền (tiểu đường) nên tôi luôn tham gia tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch theo hướng dẫn. Ngay cả khi bản thân đã mắc Covid-19 nhưng tôi vẫn tiêm đủ 4 mũi vắc-xin để bảo vệ sức khỏe bản thân trước diễn biến khó lường của đại dịch.
Còn bà Vũ Thị Nhan (phường Hồng Hà, TP Hạ Long) chia sẻ: Tôi ở Thái Bình ra chơi với các con, cháu. Khi được thông báo, tôi đã đến tiêm vắc-xin mũi 4. Tôi rất vui và cảm ơn tỉnh Quảng Ninh đã tạo điều kiện cho mọi người dân, không phân biệt người dân ngoại tỉnh được tiêm chủng đầy đủ để bảo vệ sức khỏe.

Ca mổ cho sản phụ sinh con tại khu cách ly Covid-19, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. 
Với những nỗ lực, cống hiến, ngành Y tế Quảng Ninh đã góp phần quan trọng trong việc kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh, chăm lo bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân, giữ vững địa bàn “An toàn - Ổn định - Phát triển” - thực hiện thành công “mục tiêu kép” vừa kiểm soát tốt dịch bệnh, vừa phát triển KT-XH, nhanh chóng phục hồi sản xuất, kinh doanh, giữ vững đà tăng trưởng toàn diện.
Không ngừng nâng cao dịch vụ y tế
Hơn 3 năm đương đầu với “cuộc chiến” chống dịch Covid-19, hình ảnh về những thiên thần áo trắng chẳng quản ngại khó khăn, gian khổ nơi tuyến đầu chống dịch để bảo vệ sức khỏe cho nhân dân đã trở thành những hình ảnh đẹp nhất, xúc động nhất, chạm đến trái tim của hàng triệu người Việt Nam. Và giờ đây, khi dịch Covid-19 đã được đẩy lùi, các thầy thuốc Quảng Ninh lại tiếp tục nỗ lực phát triển chuyên môn kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế đáp ứng yêu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khoẻ nhân dân.
Mới đây, các bác sĩ của Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã kịp thời cấp cứu, phẫu thuật cứu sống ông Đỗ Xuân Bình (SN 1948, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình) trong tình trạng nguy kịch. Trong dịp đến Quảng Ninh, ông Bình không may gặp tai nạn giao thông dẫn đến đa chấn thương. Trong đó nguy hiểm nhất là vùng cổ phải có vết thương dài 15cm sát bờ dưới hàm phun nhiều máu. Khi đưa vào viện, các bác sĩ khẩn trương kích hoạt “báo động đỏ”, với việc huy động những y, bác sĩ giỏi của nhiều chuyên khoa và chuyển thẳng bệnh nhân lên phòng mổ.

Các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh đang thực hiện ca ghép mạch máu vùng cổ cho bệnh nhân Đỗ Xuân Bình (SN 1948, huyện Yên Khánh, tỉnh Ninh Bình).
Theo bác sĩ CKII Phạm Việt Hùng, Trưởng khoa Ngoại, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, các mạch máu vùng cổ có kích thước lớn, cung cấp máu nuôi não, lại gần tim, nằm cạnh đường thở và các thần kinh quan trọng. Do vậy, tổn thương ở vùng cổ rất khó xử lý, nguy cơ tử vong cao. Trường hợp của bệnh nhân Bình có vết thương lớn vùng cổ rất nguy hiểm nhưng nhờ được cấp cứu kịp thời và đúng cách, cầm máu tốt trước khi chuyển đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh thực hiện phẫu thuật. Sau khi cầm máu tạm thời, chúng tôi quyết định thay đoạn mạch cảnh bị mất bằng đoạn mạch tự thân được quấn tạo hình từ tĩnh mạch hiển chân trái. Việc thay đoạn mạch rất phức tạp nhưng sẽ tránh được việc dùng thuốc chống đông do bệnh nhân có xuất huyết não kèm theo.
Sau 3 giờ phẫu thuật căng thẳng với 2,5 lít máu được truyền bổ sung, ca mổ cho ông Bình đã diễn ra thành công. Anh Đỗ Văn Học, con trai bệnh nhân Bình, chia sẻ: Bố tôi không may gặp tai nạn nguy kịch, tưởng không còn hy vọng, nhưng may mắn được các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh tận tình cứu chữa. Hiện bố tôi đã có thể đi lại, ăn uống, nói chuyện bình thường. Gia đình tôi rất cảm ơn các y, bác sĩ của Quảng Ninh.
Cùng với kỹ thuật phẫu thuật mạch máu, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh còn triển khai thường xuyên mổ tim hở cho bệnh nhân tại Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch của đơn vị. Đây cũng là một trong những kỹ thuật khó, phức tạp nhất trong lĩnh vực ngoại khoa mà cho tới nay rất ít bệnh viện tuyến tỉnh làm được. Thành lập từ năm 2016 đến nay, các bác sĩ Trung tâm Phẫu thuật và Can thiệp Tim mạch đã thực hiện thành công trên 100 ca mổ tim hở. Kíp mổ tim của Bệnh viện còn thực hiện cấp cứu nhiều trường hợp tai nạn vỡ tim, chấn thương tim, vết thương xuyên động mạch chủ... nguy kịch tưởng như không còn cơ hội sống nhưng đã được cứu sống ngoạn mục.

Kỹ thuật viên Khoa Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) đang thực hiện một trong những quy trình kỹ thuật Thụ tinh ống nghiệm - IVF.
Các kỹ thuật cao, chuyên sâu trong lĩnh vực hỗ trợ sinh sản cũng được các y, bác sĩ của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản (Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh) triển khai thành công, với hơn 2.000 cháu bé ra đời từ phương pháp hỗ trợ sinh sản tại bệnh viện. Trung tâm Hỗ trợ sinh sản bắt đầu triển khai kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) từ năm 2017 và nhanh chóng trở thành một trong 28 trung tâm hỗ trợ sinh sản trên toàn quốc. Quy trình kỹ thuật IVF tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đã ngày càng hoàn chỉnh, với những kỹ thuật mới, kỹ thuật cao được áp dụng thành công, như: Chẩn đoán và sàng lọc phôi tiền làm tổ, tiêm tinh trùng vào bào tương của noãn (ICSI), chọc hút tinh trùng từ mào tinh (PESA), phẫu thuật mào tinh lấy tinh trùng (MESA), phẫu thuật tinh hoàn lấy tinh trùng (TESE), trữ đông phôi và tinh trùng, ngân hàng tinh trùng, IVM điều trị vô sinh ở bệnh nhân buồng trứng đa nang...
Bác sĩ CKII Đỗ Duy Long, Phó Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh, cho hay: Để đáp ứng những nhu cầu của người bệnh, cũng như chỉ đạo của tỉnh và ngành Y tế về phát triển chuyên sâu lĩnh vực hỗ trợ sinh sản, trong thời gian tới bệnh viện tiếp tục cử y, bác sĩ đi học tập tại các Trung tâm Hỗ trợ sinh sản lớn trong và ngoài nước. Cùng với đó, các y, bác sĩ tiếp tục nghiên cứu, sáng tạo, áp dụng những kỹ thuật mới, công nghệ tiên tiến nhằm nâng cao tỷ lệ thành công trong điều trị vô sinh, hiếm muộn cho người bệnh.

Điều trị xạ trị ung thư cho bệnh nhân tại Bệnh viện Bãi Cháy.
Các kỹ thuật chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân ung bướu cũng được các y, bác sĩ Trung tâm Ung bướu (Bệnh viện Bãi Cháy) cập nhật thường xuyên. Hiện, Trung tâm cung cấp hoàn chỉnh, liền mạch và tối ưu trong điều trị ung thư đa mô thức. Tức là có thể phối hợp nhiều phương pháp điều trị ung thư cho bệnh nhân, như: Phẫu thuật, hóa chất, xạ trị - y học hạt nhân, điều trị nội tiết, điều trị miễn dịch, điều trị thuốc đích, chăm sóc giảm nhẹ... Mỗi phương pháp điều trị cũng có những bước phát triển theo kịp với y học trong nước. Hiện trung bình mỗi ngày, Trung tâm ung bướu đón tiếp từ 150-200 lượt người đến khám, điều trị các bệnh ung bướu.
Mới đây, tỉnh đã đầu tư xây dựng và phát triển Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh. Đây là mô hình bệnh viện chuyên khoa về lão khoa - phục hồi chức năng tuyến tỉnh đầu tiên trong cả nước. Bệnh viện đang từng bước đáp ứng nhu cầu điều trị chuyên sâu về phục hồi chức năng và lão khoa cho bệnh nhân tại địa phương. Quảng Ninh tiếp tục đầu tư phát triển Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, với mục tiêu trở thành trung tâm chuyên khoa phổi của quốc gia và khu vực. Phát triển chuyên sâu lĩnh vực y học dự phòng, với việc đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và thu hút nhân lực của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh - CDC Quảng Ninh. Tiến tới, ngành Y tế Quảng Ninh sẽ triển khai thực hiện kỹ thuật về ghép tạng.

Đo loãng xương cho người cao tuổi tại Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng Quảng Ninh.
Xác định việc ứng dụng kỹ thuật mới, kỹ thuật cao là nhiệm vụ thường xuyên và quan trọng hàng đầu để nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cho người dân, các bệnh viện trên địa bàn tỉnh luôn chú trọng đẩy mạnh phát triển các chuyên khoa sâu và phát huy thế mạnh trong nhiều lĩnh vực điều trị. Đặc biệt, tỉnh và ngành Y tế đã có nhiều chính sách thu hút, đầu tư phát triển nguồn nhân lực, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị để các đơn vị y tế có điều kiện thuận lợi phát triển kỹ thuật y tế chuyên sâu. Qua đó, người dân được thụ hưởng dịch vụ y tế chất lượng cao ngay tại địa phương mà không phải chuyển tuyến, giảm được chi chí và đi lại cho bệnh nhân. 

Nguồn:https://baoquangninh.vn/nganh-y-te-quang-ninh-thuc-hien-tot-su-menh-cham-soc-bao-ve-va-nang-cao-suc-khoe-nhan-dan-3250182.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 15
Hôm nay : 143
Tháng 07 : 60.946