A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế, đừng lo ngại về phản ứng phụ của vaccine

Trong chương trình THTT "Sẵn sàng cho các kịch bản COVID-19 giai đoạn mới" do Bộ Y tế kết hợp cùng Báo Sức khỏe và Đời sống tổ chức, PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ những góc nhìn mới về cách quản lý dịch bền vững và đưa ra những khuyến cáo y tế quan trọng với người dân.
Hỏi: Thưa PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu, hiện dịch COVID-19 ở nước ta về cơ bản đã được kiểm soát, số ca nhiễm giảm xuống nhiều so với trước đây. Tuy nhiên, Tổ chức Y tế thế giới nhận định dịch COVID-19 sẽ không biến mất hoàn toàn, có thể sớm trở thành bệnh lưu hành. Ông dự đoán ra sao về các tình huống dịch COVID-19 trong giai đoạn chuyển tiếp từ phòng chống đại dịch sang quản lý bền vững?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuỞ nước ta, dịch COVID về cơ bản đã được kiểm soát tốt, từ đầu tháng 5, số ca nhiễm hầu như đã giảm rõ rệt. Tuy nhiên WHO chưa tuyên bố chấm dứt dịch bệnh này, bởi tại một số quốc gia, việc tiêm chủng chưa được phổ cập đến toàn bộ người dân, nên không thể tuyên bố kết thúc dịch trên toàn thế giới. Trong tương lai, thế giới sẽ có những hướng dẫn, khuyến cáo mới để COVID dần dần trở thành bệnh đặc hữu. Chúng ta đã có hệ thống chuyên nghiệp của Bộ Y tế trong việc theo dõi diễn biến dịch bệnh, tạo ra một hệ thống phản ứng chắc chắn với sự thay đổi của dịch bệnh. Đến hiện tại, cần thay đổi nhiều phương pháp phòng chống dịch để thích ứng linh hoạt và người dân có thể quay trở lại cuộc sống bình thường.
Hỏi: Trải qua 4 đợt dịch với những kinh nghiệm phòng, chống, điều trị, thích ứng với dịch hiệu quả, chúng ta có thể tổng hợp được thành các mô hình như thế nào để phòng chống dịch trong những giai đoạn về sau?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuVì COVID-19 là dịch bệnh mới nên các mô hình sẽ được xây dựng theo thời gian. Từ việc học hỏi kinh nghiệm từ các nước, chúng ta cũng dần dần có những kiến thức y khoa và kinh nghiệm nhất định, tập hợp lại thành lý thuyết để chống dịch. Theo tôi, cần cần xây dựng ngành COVID học để giảng dạy cho các bác sĩ, nhân viên y tế để bất cứ giai đoạn nào dịch xảy ra cũng có thể thực hiện tốt. Ngành này sẽ giúp Bộ Y tế đưa ra những phác đồ, khuyến cáo theo thời gian phù hợp với tình hình thực tế, tạo nên hệ thống chống dịch hoàn chỉnh từ lý thuyết lẫn thực hành.

PGS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế, đừng lo ngại về phản ứng phụ của vaccine - Ảnh 1.

  •  
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã chia sẻ trong chương trình Truyền hình trực tuyến "Sẵn sàng cho các kịch bản COVID-19 giai đoạn mới"
Hỏi: Là một người đi vào tâm dịch, chứng kiến những giai đoạn của đại dịch COVID-19. Ông đánh giá vai trò, hiệu quả của vaccine và chương trình tiêm chủng như thế nào trong thời gian vừa qua và thời gian tới?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Vaccine là cứu cánh của hệ thống y tế toàn thế giới,là phương pháp điều trị cơ bản để khống chế được dịch. Là người trực tiếp chứng kiến việc tiêm vaccine tại các điểm nóng của dịch, tôi thấy được tỉ lệ tử vong giảm xuống rõ rệt theo chiều thẳng đứng sau 2 tuần tiêm vaccine. Có thể khẳng định, vaccine chính là vũ khí quan trọng nhất để chống lại COVID đến thời điểm này. Việc giải thích cho người dân hiểu về vai trò của vaccine là vô cùng quan trọng. Bên cạnh đó, cần cá thể hoá từng trường hợp tiêm mũi nhắc lại để phù hợp với tình trạng của mỗi người. Và vai trò của y tế cơ sở là rất cần thiết trong việc khuyến khích, động viên và thuyết phục người dân và gia đình đi tiêm.
Hỏi: Có những trường hợp đã tiêm đủ 3 mũi vaccine và đến thời điểm này vẫn chưa mắc COVID-19 thì có nên tiêm tiếp mũi thứ 4 không thưa ông?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuTôi vẫn khuyến cáo người dân nên đi tiêm, đặc biệt với những người có bệnh lý nền có nguy cơ tăng nặng. Bởi các bằng chứng cho thấy tỉ lệ biến chứng do tiêm rất ít, nếu 3 lần trước tiêm không có nhiều phản ứng phụ, những người có nhiều bệnh nền nên tiêm mũi thứ 4.
Hỏi: Nhìn lại giai đoạn dịch Omicron đang diễn ra, có một bộ phận người dân mặc dù đã tiêm vaccine nhưng vẫn bị nhiễm đột phá, và có thể ảnh hưởng đến chủ trương tiêm chủng. Ông có thể phân tích vấn đề này để người dân hiểu rõ hơn không? Lợi ích lớn nhất của vaccine có phải là chống lại nhiễm bệnh hay không?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuTôi không thích dùng từ "đột phá", nó dễ khiến người dân hiểu rằng virus SARS-CoV-2 có thể xuyên qua hàng rào bảo vệ để tấn công cơ thể, điều này không đúng. Các nhà sản xuất vaccine đã khuyến cáo, vaccine là một hình thức giúp cơ thể sớm tạo ra kháng thể để chống lại sự tấn công của virus. Quan trọng hơn cả, kháng thể được tạo ra một cách từ từ, không gây ra bão cytokine. Vaccine giúp giảm tỉ lệ tử vong, giảm tỉ lệ lây nhiễm nhưng không thể giúp chúng ta không bao giờ mắc COVID. Chúng ta có thể tiêm đủ liều vaccine nhưng việc tiếp xúc với người đang mắc COVID vẫn có khả năng lây nhiễm. Cần phân biệt cho người dân hiểu sự khác nhau giữa nhiễm COVID và mắc bệnh COVID để họ yên tâm. Rất hiếm trường hợp tiêm vaccine nhiễm COVID lại trở nên nguy kịch. Đừng lo ngại về những phản ứng phụ của vaccine. Hãy tiêm vaccine và bình tĩnh trước những đợt sóng mới của dịch bệnh nếu nó xảy ra.
Hỏi: Với những người dân chống chỉ định tiêm vaccine phòng COVID-19 do tình trạng bệnh lý hoặc đã từng gặp phải biến cố ngoại ý nghiêm trọng sau khi tiêm vắc xin, có những biện pháp nào khác để giúp họ được bảo vệ an toàn trong giai đoạn đất nước mở cửa trở lại này?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuTỉ lệ chống chỉ định tuyệt đối của tiêm vaccine là rất thấp, chỉ khi đã có phản ứng phản vệ với chính thành phần của vaccine. Vì vậy, chúng ta không nên lo lắng về điều này mà cần có phương pháp phòng chống phản vệ một cách tiêu chuẩn. Việc tiêm chủng cần phải tiêu chuẩn hoá để mọi nhân viên y tế đều có thể cấp cứu được trường hợp sốc phản vệ. Những trường hợp cấp cứu kịp thời đều không gặp vấn đề nghiêm trọng nào.
Hỏi: Vậy còn kháng thể đơn dòng thường được sử dụng trong trường hợp nào và nó có vai trò như thế nào thưa ông?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu: Chúng tôi sử dụng kháng thể đơn dòng để điều trị khi bệnh nhân nguy kịch, khi bão cytokine mạnh và bệnh nhân có nguy cơ rất cao đi vào sốc. Ở giai đoạn đầu của dịch, tỉ lệ tử vong ở bệnh nhân thở máy lên đến 80-90%, và tỉ lệ người được sử dụng kháng thể đơn dòng thời điểm đó rất ít. Nhưng khi đã dùng kháng thể đơn dòng thì tỉ lệ thành công rất cao, tăng khả năng rút được nội khí quản lên đến 60-70%.Vì vậy vai trò của kháng thể đơn dòng là vô cùng lớn.
Hỏi: PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu có lời khuyên nào cho những người dân trong việc phòng chống COVID-19 giai đoạn mới nàycũng như cách tầm soát triệu chứng hậu COVID nếu có?
PGS.TS.BS Nguyễn Lân HiếuTôi khuyến cáo người dân không nên đi theo các gói khám hậu COVID đắt tiền, phải bình tĩnh lắng nghe cơ thể, gặp vấn đề chỗ nào thì khám chỗ đó để được các bác sĩ tư vấn chính xác. Bên cạnh đó, chúng ta hãy tin tưởng vào hệ thống y tế, đặc biệt là hệ thống y tế công, lắng nghe các khuyến cáo, có thể theo dõi và đăng ký các kênh khám chữa bệnh từ xa, đó là cách để bảo vệ cho bản thân và gia đình, phòng chống dịch hiệu quả trong tình hình mới.
Xin cảm ơn PGS.TS.BS Nguyễn Lân Hiếu!

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/pgs-nguyen-lan-hieu-vaccine-la-cuu-canh-cua-he-thong-y-te-dung-lo-ngai-ve-phan-ung-phu-cua-vaccine-169220711102810147.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 16
Hôm nay : 4.918
Tháng 01 : 72.110