A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền

Hiện tượng biến đổi khí hậu cũng thúc đẩy muỗi sinh sản và gia tăng các bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Việt Nam là nước nhiệt đới với khí hậu nóng ẩm và nằm trong khu vực lưu hành cao các bệnh do muỗi truyền. Ngoài ra, hiện nay thời tiết đang bắt đầu vào mùa mưa, tạo điều kiện thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển mạnh, rất dễ bùng phát các dịch bệnh do muỗi truyền.

Tính đến hết tuần 28 năm 2023, cả nước ghi nhận 46.658 ca mắc sốt xuất huyết, trong đó có 11 ca tử vong. Khu vực miền Bắc ghi nhận 1.652 ca mắc, cao hơn 17% so với cùng kỳ năm 2022 (1.415 ca); chưa ghi nhận trường hợp tử vong, không ghi nhận các ổ dịch lớn bùng phát trong cộng đồng.

Cán bộ khoa Ký sinh trùng - Côn trùng (CDC Quảng Ninh) giám sát, điều tra muỗi, lăng quăng tại TP Hạ Long. Ảnh: CDC Quảng Ninh.

Còn ở Quảng Ninh, tính đến hết ngày 26/7, toàn tỉnh ghi nhận 87 ca, trong đó 80 ca dương tính. Số mắc tăng 45 ca so với cùng kỳ năm 2022 (42 ca). Có 23 ca xâm nhập, 57 ca nội địa. Hầu hết là các ca bệnh nhẹ và phần lớn điều trị tại nhà. Ghi nhận 2 trường hợp sốt xuất huyết Dengue (SXHD) có dấu hiệu cảnh báo tại Hạ Long, chưa ghi nhận trường hợp SXHD nặng và tử vong do SXHD.

Ngày 14/7, Bộ Y tế cảnh báo El Nino có thể làm tăng sự lây truyền bệnh sốt xuất huyết và các loại virus khác như Zika, Chikungunya, viêm não Nhật Bản, trong thời gian tới. Trước cảnh báo của Bộ Y tế, Sở Y tế đã tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền.

Theo đó, UBND tỉnh yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các đơn vị chuyên môn tăng cường giám sát phát hiện sớm các ca bệnh truyền nhiễm do muỗi truyền. Phát hiện sớm các ổ dịch để triển khai các biện pháp khoanh vùng, xử lý kịp thời, hạn chế lây lan và bùng phát các ổ dịch lớn. Đồng thời chỉ đạo triển khai mạnh mẽ hơn nữa hoạt động diệt loăng quăng/bọ gậy trên địa bàn tỉnh ngay trong tháng 7 năm 2023 và duy trì hoạt động 1 tuần/lần tại các khu vực có nguy cơ cao, 2 tuần/lần tại các khu vực có chỉ số muỗi, lăng quăng/bọ gậy cao và 1 tháng/lần tại các khu vực còn lại. Chỉ đạo rà soát, tổ chức tiêm phòng vắc xin viêm não Nhật Bản cho trẻ em trong độ tuổi tiêm chủng theo hình thức tiêm chủng thường xuyên đạt tỷ lệ cao, đầy đủ, đúng lịch, an toàn và hiệu quả.

UBND tỉnh cũng yêu cầu Sở Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân. Đảm bảo sẵn sàng, đầy đủ hoá chất, thuốc, vật tư, trang thiết bị, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác chẩn đoán, điều trị, xử lý dịch kịp thời và hiệu quả. Tổ chức các đoàn kiểm tra, giám sát và hỗ trợ công tác phòng, chống dịch bệnh do muỗi truyền tại các điểm nóng, các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch.

Sở Thông tin và Truyền thông phối hợp với ngành Y tế tăng cường triển khai các hoạt động tuyên truyền phòng chống dịch, đa dạng hóa các hoạt động truyền thông để người dân hiểu và chủ động thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; truyền thông về dấu hiệu của sốt xuất huyết và các bệnh do muỗi truyền, hướng dẫn người dân khi mắc bệnh không tự điều trị tại nhà, đến ngay các cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.

UBND các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo và huy động các ban, ngành, tổ chức chính trị xã hội tại địa phương phối hợp với ngành Y tế triển khai chiến dịch diệt lăng quăng/bọ gậy, loại bỏ nơi sinh sản của muỗi; truyền thông nâng cao hiểu biết, nhận thức của người dân trong công tác phòng chống dịch bệnh do muỗi truyền.

Cán bộ và nhân dân xã Quảng Thành (Hải Hà) tham gia vệ sinh môi trường hưởng ứng Ngày ASEAN phòng, chống sốt xuất huyết Dengue, lần thứ 13 năm 2023. Ảnh: Thanh Trường (CTV)

Để phòng chống dịch bệnh do muỗi, trong 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo các địa phương triển khai phun hoá chất chủ động tại các điểm có nguy cơ cao, có chỉ số giám sát véc tơ cao trên ngưỡng gây dịch. Đã triển khai 31 lượt điều tra, giám sát sát véc tơ SXHD định kỳ tại các xã, phường có nguy cơ cao; 11 lượt điều tra, giám sát véc tơ SXHD tại ổ dịch; 6 lượt điều tra, giám sát véc tơ viêm não Nhật Bản tại các ổ dịch cũ; 7 lượt điều tra, giám sát ổ bọ gậy nguồn sốt xuất huyết đợt 1 năm 2023 tại các xã, phường trọng điểm.

Tiến sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, cho biết: Dịch bệnh sốt xuất huyết tại Quảng Ninh ghi nhận số mắc trong 3 tháng đầu năm 2023 liên quan đến đuôi dịch từ những tháng cuối năm 2022. Tuy nhiên, dịch đã cơ bản được kiểm soát, số ca mắc giảm mạnh, từ tháng 3 đến tháng 6 chỉ ghi nhận 1 ca/tháng. Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sốt xuất huyết có thể xuất hiện và gia tăng trở lại, đặc biệt quý III/2023. Vì vậy việc chủ động triển khai tích cực các biện pháp dự phòng sốt xuất huyết trước những tháng cao điểm dịch bệnh như: Giám sát, kiểm soát mật độ véc tơ, diệt lăng quăng bọ gậy, phun diệt muỗi chủ động tại các khu vực có nguy cơ bùng phát dịch cao là hết sức quan trọng và cần thiết. Đặc biệt, người dân cần vào cuộc, diệt hết loăng quăng/bọ gậy ngay tại nhà mình. Cần tích cực diệt muỗi, ngủ mắc màn, chống muỗi đốt. Khi mắc bệnh, không tự điều trị tại nhà mà đến bệnh viện điều trị kịp thời…


Nguồn:https://baoquangninh.vn/tang-cuong-phong-chong-dich-benh-do-muoi-truyen-3251853.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 22
Hôm nay : 369
Tháng 07 : 61.172