A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường triển khai các hoạt động do dự án của USAID hỗ trợ tại Quảng Ninh.

Ngày 8/6, Sở Y tế Quảng Ninh phối hợp với Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID tổ chức Cuộc họp tăng cường triển khai các hoạt động do dự án của USAID hỗ trợ tại Quảng Ninh.
Tham dự buổi làm việc, về phía Sở Y tế Quảng Ninh có các đồng chí: Nguyễn Trọng Diện, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Y tế; Nguyễn Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở Y tế; Ninh Văn Chủ, Giám đốc CDC Quảng Ninh, trưởng Ban Quản lý Dự án USAID EpiC tại Quảng Ninh; Các đồng chí Điều phối viên dự án, chuyên viên phòng Nghiệp vụ Y (Sở Y tế), khoa Phòng chống HIV/AIDS (CDC Quảng Ninh).
Về phía Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID có bà Ritu Walia Singh, Giám đốc Chương trình Y tế của USAID; ông Daniel M.Levitt, Giám đốc Dự án, USAID/EpiC.
Buổi làm việc giữa Sở Y tế Quảng Ninh và Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID
Dự án “Hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS (EpiC) là dự án toàn cầu được tài trợ bởi Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về Phòng, chống HIV/AIDS (PEPFAR) và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID). Đây là dự án duy nhất do PEPFAR hỗ trợ tại Quảng Ninh và là dự án duy nhất hỗ trợ tỉnh triển khai hoạt động điều trị dự phòng trước phơi nhiễm (PrEP) tại Phòng khám ngoại trú Bệnh viện Đa khoa Tỉnh, BVĐK Cẩm Phả, TTYT huyện Vân Đồn. Dự án duy trì hoạt động chăm sóc điều trị HIV/AIDS bền vững, đảm bảo các bệnh nhân được hưởng các dịch vụ thông qua chi trả từ nguồn quỹ BHYT cho 06/11 cơ sở điều trị HIV/AIDS trên địa bàn tỉnh với 3.851 bệnh nhân, chiếm 75,4% bệnh nhân toàn tỉnh; Hỗ trợ triển khai thanh toán BHYT cho người nhiễm HIV và thực hiện thanh toán BHYT cho dịch vụ điều trị HIV/AIDS; Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho các cơ sở chăm sóc điều trị ARV; hỗ trợ mở rộng dịch vụ nhằm tìm ca bệnh, chăm sóc điều trị và duy trì ca bệnh. Giai đoạn 2017-2021, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật và duy trì hoạt động chăm sóc điều trị HIV/AIDS bền vững tại tỉnh Quảng Ninh với kinh phí hơn 10 tỷ đồng (chiếm 10,7% kinh phí toàn tỉnh).
Đồng chí Lê Thị Hoa, Phó Giám đốc CDC Quảng Ninh báo cáo kết quả Dự án “Hoàn thành mục tiêu và duy trì kiểm soát dịch HIV/AIDS (EpiC) tại Quảng Ninh
Theo báo cáo từ CDC Quảng Ninh, tính đến ngày 30/4/2022, số người nhiễm HIV/AIDS hiện đang được quản lý tại tỉnh Quảng Ninh là 5.708 (chiếm 0,41% dân số), số bệnh nhân đang điều trị thuốc kháng virus (ARV) là 5.107 (chiếm 90%) và số bệnh nhân đang điều trị ARV có tải lượng virus dưới ngưỡng phát hiện là 4377 người, đạt tỷ lệ 89- 90- 98 trong mục tiêu phòng, chống HIV/AIDS.
Bà Ritu Walia Singh, Giám đốc Chương trình Y tế của USAID tại buổi làm việc.
Thảo luận về công tác phòng chống HIV/AIDS và kết quả thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bà Ritu Walia Singh, Giám đốc Chương trình Y tế của USAID đánh giá cao công tác phòng chống HIV/AIDS của tỉnh Quảng Ninh trong thời gian vừa qua, cho rằng Quảng Ninh là 1 trong những địa phương đi đầu Việt Nam trong những nỗ lực của cả hệ thống chính trị, của ngành Y tế và kết quả phòng chống HIV/AIDS. Tuy nhiên hiện nay, tình hình dịch HIV/AIDS có một số diễn biến mới, như gia tăng sự lây nhiễm HIV qua quan hệ tình dục, đặc biệt là quan hệ tình dục đồng giới, đòi hỏi phải tăng cường sự chủ động trong việc phát hiện và tiếp cận nhóm đối tượng người trẻ tuổi và nhóm quan hệ đồng giới; làm tốt công tác nhận diện sớm đối tượng có nguy cơ cao và can thiệp dự phòng trước phơi nhiễm để làm giảm tỷ lệ mắc mới. đẩy mạnh tìm kiếm các ca nhiễm HIV ngoài cộng đồng, rà soát đối chiếu số liệu người nhiễm trên địa bàn tỉnh để có số liệu quản lý người nhiễm chính xác nhất.
Đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Tỉnh ủy viên - Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh phát biểu tại buổi làm việc
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Trọng Diện, Giám đốc Sở Y tế Quảng Ninh cảm ơn sự hỗ trợ quý báu của Cơ quan phát triển Quốc tế Hoa Kỳ USAID với những dự án thiết thực hiệu quả, giúp cho tỉnh Quảng Ninh tiến gần đến mục tiêu phòng chống HIV/AIDS đề ra. Để duy trì các hoạt động có hiệu quả, thời gian tới ngành Y tế Quảng Ninh sẽ tiếp tục phối hợp có hiệu quả các chương trình dự án quốc tế trong phòng chống HIV/AIDS; Đa dạng hóa và mở rộng các biện pháp dự phòng lây nhiễm HIV; Duy trì và nâng cao chất lượng điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng Methadone;. Mở rộng điều trị dự phòng trước phơi nhiễm với HIV bằng thuốc ARV (PrEP) cho các nhóm có hành vi nguy cơ cao lây nhiễm HIV, đặc biệt là nhóm MSM; Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý người nhiễm, sử dụng các kênh truyền thông, mạng xã hội, các nhà thuốc để quảng bá dịch vụ xét nghiệm tự nguyện HIV/AIDS, điều trị phơi nhiễm, mở rộng các điểm điều trị dự phòng bằng PrEP để đông đảo người dân được biết và sử dụng dịch vụ nhằm phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS; tiếp tục cấp thẻ BHYT và khuyến khích người bệnh sử dụng thẻ BHYT trong khám và điều trị ARV và các dịch vụ khám và điều trị khác. Đồng thời hy vọng sự hợp tác giữa PEPFAR, USAID với ngành Y tế Quảng Ninh sẽ ngày càng phát triển và khăng khít hơn nữa, các tổ chức sẽ tiếp tục đồng hành và ủng hộ Quảng Ninh thực hiện thành công mục tiêu Chiến lược kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Tác giả: Quỳnh Trang – Tuấn Anh CDC Quảng Ninh
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 10
Hôm nay : 3.793
Tháng 05 : 16.434