A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Cần có những giải pháp đồng bộ để tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới

Để hiểu rõ hơn về vai trò của y tế cơ sở, cũng như những khó khăn tồn tại của 'thành trì vững chắc' trong chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân, cũng như những gợi mở để phát triển y tế trong tình hình mới, phóng viên báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Phan Lê Thu Hằng - Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính, kiêm Giám đốc Ban Quản lý Dự án Đầu tư xây dựng và Phát triển hệ thống y tế tuyến cơ sở (Bộ Y tế).
Y tế cơ sở giúp chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam cao hơn mức trung bình toàn cầu
- Bà đánh giá như thế nào về những kết quả mà y tế cơ sở (YTCS) đã làm được trong chăm sóc sức khỏe (CSSK) ban đầu cho nhân dân, nhất là đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn?
 

Cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới - Ảnh 1.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng cho biết: Mạng lưới y tế cơ sở được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là hình mẫu giúp Việt Nam hoàn thành sớm trước thời hạn Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Ảnh: Trần Minh

 

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Trước hết, có thể nói mạng lưới YTCS có vai trò cực kỳ quan trọng, được ví như xương sống hay nền tảng của hệ thống y tế Quốc gia và đã có nhiều ý kiến cho rằng hệ thống y tế Việt Nam (nhờ sự sẵn có của một mạng lưới YTCS phát triển rộng khắp, gắn bó mật thiết với cộng đồng dân cư và được tích hơp nhiều chức năng CSSK cơ bản) có lợi thế mang tính nền tảng so với hệ thống y tế của nhiều quốc gia có cùng mức thu nhập.
Chúng ta có thể khẳng định những thành tựu quan trọng nhất của hệ thống y tế Việt Nam đều gắn chặt với những nỗ lực của mạng lưới YTCS, cụ thể:
Mạng lưới YTCS có diện bao phủ rộng khắp, cấu trúc hoàn chỉnh gồm nhiều thành tố tương hỗ lẫn nhau (TTYT huyện, trạm y tế xã, y tế thôn bản), cung ứng các dịch vụ CSSK đa dạng (CSSK phổ quát, hộ sinh, y tế công cộng) được đánh giá góp phần quan trọng giúp các chỉ số sức khỏe cơ bản của Việt Nam cao hơn các quốc gia có cùng mức thu nhập.
Sự sẵn có và khả năng vận hành tương đối hiệu quả của mạng lưới YTCS đã giúp Chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam đạt 70/100 điểm, cao hơn mức trung bình toàn cầu (67 điểm) và cao hơn đáng kể mức bình quân của khu vực Đông Nam Á (61 điểm).
Mạng lưới YTCS được các tổ chức quốc tế đánh giá cao, coi là hình mẫu giúp Việt Nam hoàn thành sớm trước thời hạn Mục tiêu thiên niên kỷ (MDGs). Tổng kết 15 năm thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế, Việt Nam đã cơ bản đạt các mục tiêu về y tế. Cụ thể,
Thứ nhất, về mức độ hoàn thành Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ, Việt Nam đạt/vượt 16/17 các chỉ tiêu đề ra. Các chỉ tiêu của Việt Nam đạt được hầu hết đều tốt hơn, trong đó rất nhiều chỉ tiêu tốt hơn nhiều so với mức trung bình toàn cầu thực hiện.
Thứ hai, đặc biệt hơn, Việt Nam hoàn thành các mục tiêu trong bối cảnh nguồn lực tài chính còn rất hạn chế.
Đã có phân tích bài học thành công của Việt Nam trong việc thực hiện các Mục tiêu Phát triển Thiên niên kỷ trong lĩnh vực y tế và thấy rằng thành công của Việt Nam là nhờ môi trường chính sách thuận lợi: Nỗ lực và quyết tâm chính trị cao; Quốc gia hóa các mục tiêu MDGs thành các Mục tiêu phát triển Việt Nam; Lồng ghép sâu rộng các mục tiêu này vào những kế hoạch, chiến lược, chính sách quan trọng, xây dựng các kế hoạch hành động cụ thể và bố trí ngân sách phù hợp để đạt được mục tiêu…; Đồng thời có một hệ thống y tế hoạt động hiệu quả và công bằng, với nền tảng là mạng lưới YTCS phát triển rộng khắp.
Mạng lưới YTCS là yếu tố nền tảng đảm bảo việc cung ứng các dịch vụ CSSK cơ bản cho người dân, đặc biệt là cộng đồng dân cư tại vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn về kinh tế xã hội do những lợi thế vượt trội về tính dễ tiếp cận, sự phù hợp về văn hóa với cộng đồng dân cư và chi phí thấp. Mạng lưới YTCS cũng được đánh giá đóng vai trò quan trọng giúp Việt Nam đối phó hiệu quả với chi phí thấp trước sự đe dọa những bệnh dịch cổ điển, tái nổi hay mới nổi.
Mạng lưới YTCS còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết
- Vậy theo bà, những vấn đề còn khó khăn, tồn tại của YTCS là gì?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Bên cạnh những thành tựu được công nhận rộng rãi của mạng lưới YTCS, chúng ta cần thẳng thắn thừa nhận so với yêu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, mạng lưới YTCS còn tồn tại nhiều vấn đề cần được giải quyết.
Kết quả các đánh giá mang tính hệ thống trong thời gian gần đây liên quan tới YTCS - đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết 20 của Ban Chấp hành TW; đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định 2348 của Thủ tướng Chính phủ; đánh giá việc thực hiện chuẩn Quốc gia về y tế xã và gần đây nhất là tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 của Ban Bí thư cho thấy còn nhiều vấn đề tồn tại đối với công tác YTCS, bao gồm khung chính sách liên quan tới YTCS, cấu trúc và sự vận hành chức năng mạng lưới YTCS, năng lực cung ứng dịch vụ CSSK ban đầu, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế và thông tin thống kê y tế của mạng lưới YTCS.
 

Cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới - Ảnh 2.

PGS.TS Phan Lê Thu Hằng kiểm tra thực trạng của trạm y tế xã Định Cư- huyện Lạc Sơn- tỉnh Hòa Bình. Ảnh: Thái Bình

Về công tác quản trị, lãnh đạo:
Trước hết, có thể nhận thấy mặc dù chúng ta có quyết tâm chính trị mạnh mẽ ở cấp độ quốc gia về tăng cường YTCS nhưng năng lực chuyển đổi thành chương trình và kế hoạch hành động hiệu quả ở địa phương chưa đạt mong muốn. Cam kết ưu tiên đầu tư cho YTCS cũng được xem là chưa đủ mạnh từ phía các Bộ, Ngành và các địa phương.
Bên cạnh đó, công tác xây dựng, ban hành chính sách liên quan tới YTCS còn chậm, hiệu quả triển khai chính sách chưa cao do thiếu kinh phí và việc theo dõi, giám sát việc triển khai chính sách chưa chặt chẽ.
Ngoài ra, chúng ta chưa quan tâm đúng mức tới những chính sách ở cấp độ hệ thống y tế để đảm bảo cho YTCS hoạt động hiệu quả cũng như chưa chú trọng sự phối hợp liên ngành trong CSSK, đặc biệt là hướng tới giải quyết các yếu tố nguy cơ ảnh hưởng sức khỏe.
Về cấu trúc và sự vận hành chức năng của mạng lưới YTCS
Chúng ta chưa tận dụng một cách tối ưu những thành tố có sẵn để phục vụ công tác CSSK ban đầu, mạng lưới YTCS hiện nay mới chỉ bao gồm các thành tố công lập, chưa tích hợp các thành tố ngoài công lập (tư nhân, phi chính phủ, phi lợi nhuận…).
Mô hình tổ chức và cơ chế quản lý YTCS thời gian qua chưa ổn định và thiếu thống nhất gây tác động tiêu cực tới cả đội ngũ nhân lực y tế cũng như khả năng cung ứng dịch vụ y tế của mạng lưới YTCS.
Ngoài ra, liên quan tới chức năng của mạng lưới YTCS, hiện nay chúng ta mới chỉ chú trọng chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống (người gác cổng).
Về năng lực cung ứng dịch vụ y tế
Năng lực cung ứng dịch vụ y tế của mạng lưới YTCS, đặc biệt là trạm y tế được đánh giá hạn chế trên cả 3 phương diện công suất, hiệu quả và chất lượng. Về công suất, sự hạn chế tồn tại ở cả loại hình dịch vụ và số lượng dịch vụ cung ứng. Về hiệu quả, dịch vụ y tế được đánh giá là chưa phù hợp tối ưu với nhu cầu CSSK của người dân và tác động tới sức khỏe chưa đạt mong muốn. Chất lượng dịch vụ y tế cũng được xem là còn nhiều hạn chế...
Về nhân lực y tế của mạng lưới YTCS
Nhân lực y tế của mạng lưới YTCS còn mỏng, đặc biệt là tại các trạm y tế xã. Số lượng nhân lực y tế sẵn có hiện nay của YTCS thấp hơn so với quy định hiện hành và được đánh giá là thiếu hụt nghiêm trọng so với yêu cầu CSSK ban đầu tối ưu, trong khi đó chúng ta lại chưa tận dụng tối đa nguồn nhân lực hiện có (chưa huy động sự tham gia của y tế ngoài công lập trong việc cung ứng dịch vụ CSSK ban đầu). Chất lượng nhân lực của YTCS cũng được đánh giá là còn hạn chế cả về kiến thức và năng lực thực hành.
Một vấn đề đáng lưu ý khác là việc tuyển dụng và duy trì nguồn nhân lực y tế làm việc ở tuyến YTCS hiện đang gặp rất nhiều khó khăn, trong khi đó các giải pháp phát triển nhân lực YTCS hiện nay dù khá đa dạng nhưng chủ yếu vẫn là các giải pháp ngắn hạn mang tính giải quyết tình thế trước mắt…
Về tài chính y tế đối với YTCS
Ngân sách Nhà nước cho y tế nói chung, đặc biệt là cho YTCS chưa đầy đủ, hiện nay chi tiêu công cho y tế của Việt Nam ở mức rất khiêm tốn (khoảng 3% GDP), tức là rất thấp so với mức khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới để đảm bảo bao phủ CSSK toàn dân (là 4,5% GDP).
Ngân sách đầu tư thiếu trong khi đó việc phân bổ Ngân sách Nhà nước lại chưa hợp lý, chủ yếu dựa trên các tiêu chí đầu vào (như số biên chế, số giường bệnh), chưa căn cứ vào hiệu quả hoạt động và chỉ tiêu đầu ra. Ngân sách Nhà nước chủ yếu mới đảm bảo kinh phí duy trì bộ máy, chưa đảm bảo nguồn tài chính cho thực hiện hoạt động chuyên môn của YTCS, đặc biệt đối với trạm y tế.
Bất cập liên quan tới các quy định BHYT đối với YTCS hiện cũng đang bộc lộ rõ. Việc sử dụng nguồn kinh phí từ BHYT được đánh giá là chưa hiệu quả: 70% người bệnh có thẻ BHYT khám chữa bệnh tại tuyến YTCS, nhưng chỉ sử dụng khoảng 30% tổng chi của BHYT (2% tại xã và 28% tại huyện). Phương thức chi trả chậm đổi mới chủ yếu dựa theo "phí dịch vụ", do vậy chưa tạo động lực nâng cao chất lượng dịch và chưa khuyến khích cung ứng các dịch vụ CSSK ban đầu.
Thêm vào đó, BHYT chưa chi trả các dịch vụ dự phòng, trong khi giá dịch vụ y tế qua 17 năm mới được điều chỉnh, nhưng vẫn chưa tính đúng, tính đủ chi phí. Mức thanh toán BHYT cho các dịch vụ của YTCS, đặc biệt là các trạm y tế bị giữ ở mức thấp...
Về hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới YTCS
Mặc dù được quan tâm đầu tư nhiều hơn trong thời gian gần đây, hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới YTCS vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Số liệu thống kê cho thấy nhu cầu nâng cấp hạ tầng kỹ thuật của mạng lưới YTCS còn tương đối lớn (với khoảng 40% trạm y tế cần nâng cấp cơ sở nhà trạm; đối với tuyến huyện, nhu cầu mở rộng quy mô giường bệnh của TTYT huyện cũng đang là đòi hỏi cần quan tâm để đảm bảo đáp ứng nhu cầu gia tăng về cấp độ khám chữa bệnh cơ bản). Trang thiết bị y tế của mạng lưới YTCS cũng cần tiếp tục được bổ sung và thay thế.
Một vấn đề tồn tại khác là sự sẵn có thuốc thiết yếu phục vụ khám chữa bệnh BHYT của mạng lưới YTCS, đặc biệt là tram y tế hiện rất hạn chế (mới đảm bảo cung cấp 40% thuốc theo danh mục quy định).
Về thông tin thống kê y tế
Mặc dù hạ tầng kỹ thuật công nghệ thông tin được cải thiện đáng kể trong thời gian gần đây nhưng những hạn chế về phần mềm chưa được giải quyết hiệu quả. Tình trạng phân mảnh, các phần mềm tại trạm y tế không liên thông; không liên thông giữa các tuyến tồn tại khá phổ biến. Thêm vào đó, năng lực phân tích, sử dụng số liệu thống kê y tế để cải thiện hoạt động cơ sở y tế của nhân viên y tế còn yếu.
 

Cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới - Ảnh 3.

Y tế cơ sở đóng vai trò như 'người gác cổng' trong chăm sóc sức khỏe cho người dân ngay từ khi mới chào đời Ảnh: TL

 

- Từ những phân tích trên, theo bà phải chăng việc tiếp tục quan tâm đến YTCS đang trở nên vấn đề bức thiết?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Đúng là hiện nay, YTCS/CSSK ban đầu đang trở nên vấn đề bức thiết, thậm chí là bức thiết hơn bao giờ hết đối với hệ thống y tế Việt Nam. Có 2 nguyên nhân chính giải thích cho điều nay, bao gồm nguyên nhân kỹ thuật và nguyên nhân từ tác động của đại dịch COVID-19.
Xét trên bình diện kỹ thuật, hiện nay chúng ta đang đối mặt với những thách thức chưa từng có do sự tương tác của những yếu tố, bao gồm: Nhu cầu CSSK gia tăng nhanh chóng do sự thay đổi mô hình bệnh tật, xu hướng già hóa dân số, nguy cơ bùng phát các dịch bệnh nguy hiểm có tính chất lây lan toàn cầu; Đòi hỏi và mong đợi về chất lượng dịch vụ CSSK ngày càng cao của người dân; Xu hướng gia tăng chi phí y tế, đặc biệt là chi phí KCB kỹ thuật cao; Sự hạn chế về nguồn lực tài chính hiện hữu; Dư địa gia tăng nguồn lực tài chính cho y tế của Việt Nam được các chuyên gia đánh giá là khá hạn hẹp trong trung hạn; và những vấn đề nội tại của hệ thống y tế (năng lực YTCS hạn chế, hệ thống cung ứng dịch vụ y tế phụ thuộc nhiều vào bệnh viện…) cản trở việc tối ưu hóa hiệu quả sử dụng nguồn lực cho CSSK.
Điều này đồng nghĩa với việc chúng ta đang phải đối mặt với một bài toán khó: cần cung ứng các dịch vụ CSSK đa dạng hơn, với số lượng lớn hơn để đáp ứng nhu cầu CSSK đang gia tăng nhanh chóng, đáp ứng đòi hỏi khắt khe hơn về chất lượng dịch vụ y tế trong bối cảnh nguồn lực tài chính cho y tế hiện hữu rất hạn chế...
Bên cạnh nguyên nhân kỹ thuật, chính sự tác động của đại dịch COVID-19 làm cho vấn đề YTCS trở nên nóng hơn. Điều này là do đại dịch COVID-19 làm bộc lộ rõ hơn những hạn chế nội tại của mạng lưới YTCS, đồng thời khiến cộng đồng, dư luận xã hội và các nhà hoạch định chính sách quan tâm hơn tới hệ thống y tế, đặc biệt là YTCS.
Huy động y tế tư nhân cùng vào cuộc
- Xin Bà cho biết đâu là những giải pháp để YTCS phát huy vai trò là "người gác cổng" trong CSSK ban đầu cho nhân dân?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như chúng ta đã biết, mạng lưới YTCS, đặc biệt là trạm y tế có 2 chức năng cơ bản, gồm: Cung ứng các dịch vụ y tế cơ bản cho người dân và điều tiết hệ thống (hay người ta thường dùng một thuật ngữ là "người gác cổng của hệ thống y tế").
Hạn chế hiện nay của chúng ta là chú trọng nhiều chức năng cung ứng dịch vụ y tế mà chưa quan tâm đúng mức chức năng điều tiết hệ thống.
Với thuật ngữ "người gác cổng của hệ thống y tế" hàm ý 2 vấn đề quan trọng. Thứ nhất, đây là nơi tiếp xúc đầu tiên của người dân với hệ thống cung ứng dịch vụ y tế. Thứ hai, đây là nơi phân tích, sàng lọc, phân loại để đảm bảo sự kết nối giữa nhu cầu chăm sóc sức khỏe và dịch vụ y tế phù hợp nhất với nhu cầu sức khỏe đó.
 

Cần có những giải pháp đồng bộ để tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới - Ảnh 4.

Khám chữa bệnh cho người dân tại Trạm Y tế xã Nam Thái, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ảnh: Thái Bình

 

Do vậy khi nói tới chức năng "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta không chỉ quan tâm tới các yếu tố nội tại của mạng lưới YTCS, mà cần chú trọng tới sự tương tác giữa mạng lưới YTCS với cộng đồng dân cư cũng như sự tương tác giữa mạng lưới YTCS với các cơ sở y tế tuyến trên (hệ thống chuyển tuyến).
Điều này có nghĩa, để YTCS phát huy vai trò là "người gác cổng của hệ thống y tế", chúng ta cần có những giải pháp đồng bộ nhằm tăng cường năng lực tổng thể của mạng lưới YTCS, gồm năng lực quản trị, năng lực cung ứng dịch vụ y tế, năng lực hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế và thông tin thống kê y tế);
Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho sự tương tác hiệu quả giữa mạng lưới YTCS với cộng đồng dân cư thông qua mô hình cung ứng dịch vụ CSSK ban đầu mới, sử dụng y học gia đình để đảm bảo quản lý sức khỏe cá nhân, chăm sóc lồng ghép, toàn diện và liên tục suốt đời hay thông qua các hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe hiệu quả… cũng như với các cơ sở y tế tuyến trên trong hệ thống chuyển tuyến (theo hướng tăng cường sự phối hợp, cộng tác vì lợi ích của người bệnh, giảm thiểu tối đa sự cạnh tranh thu hút bệnh nhân giữa các tuyến).
- Có nhiều ý kiến cho rằng cần huy động sự tham gia của y tế tư nhân vào phát triển YTCS. Quan điểm của bà về vấn đề này thế nào?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Như tôi đã phân tích ở trên, hiện nay mạng lưới YTCS mới chỉ bao gồm thành tố công lập, mà chưa tích hợp các thành tố ngoài công lập (như y tế tư nhân, phi chính phủ, phi lợi nhuận…). Hạn chế này khiến chúng ta chưa tận dụng tối đa các nguồn lực có sẵn để phục vụ công tác CSSK ban đầu, trong khi y tế ngoài công lập đang phát triển với tốc độ tương đối nhanh. Số liệu thống kê 2020 cho thấy cả nước có 263 bệnh viện tư nhân, trên 35 nghìn phòng khám tư nhân và 43 nghìn nhà thuốc.
Kết quả Điều tra mức sống dân cư năm 2018 cũng cho thấy cả nước có 59,4% số xã có bác sĩ tư, 58,6% số xã có y sĩ tư nhân, 49% số xã có y tá tư nhân và 82% số xã có cửa hàng dược phẩm tư nhân và trên thực tế đã có một số mô hình y tế tư nhân cung ứng các dịch vụ CSSK ban đầu (hệ thống tiêm chủng tư nhân hay phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân).
Do vậy, việc mở rộng phạm vi cấu trúc của mạng lưới YTCS nhằm tích hợp những thành tố ngoài công lập để phục vụ công tác CSSK ban đầu là hướng đi phù hợp trong thời gian tới.
Tuy nhiên, để huy động có hiệu quả sự tham gia của y tế ngoài công lập vào công tác CSSK ban đầu, trong thời gian tới chúng ta cần nghiên cứu những giải pháp đồng bộ về quản trị (xác định phạm vi ưu tiên dành cho y tế ngoài công lập, tăng cường sự cộng tác, giảm thiểu nguy cơ xung đột lợi ích giữa y tế công lập và ngoài công lập trong CSSK ban đầu…), về kỹ thuật (đảm bảo chất lượng dịch vụ CSSK ban đầu) và về tài chính (tăng tính hấp dẫn về tài chính khi cung ứng các dịch vụ CSSK ban đầu).
Cần đầu tư tương xứng cho CSSK ban đầu
- Được biết, Ban Bí thư đang giao Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế xây dựng, trình ban hành Chỉ thị mới về YTCS. Xin bà cho biết tiến độ triển khai việc xây dựng Chỉ thị này của Bộ và trong Chỉ thị có những điểm gì đột phá so với trước đây để tạo đà cho YTCS phát triển?
PGS.TS Phan Lê Thu Hằng: Vừa qua, Ban Bí thư đã giao nhiệm vụ cho Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế, phối hợp cùng với các Bộ Ngành và các địa phương tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/1/ 2002 của Ban Bí thư Trung ương Ðảng về củng cố và hoàn thiện mạng lưới YTCS.
Xác định đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng đồng thời là nhiệm vụ chuyên môn có tính chất xây dựng chính sách chiến lược, Ban Cán sự Đảng bộ Y tế đã khẩn trương xây dựng Kế hoạch chi tiết thực hiện công tác tổng kết Chỉ thị 06 và phối hợp chặt chẽ với các Bộ Ngành, các địa phương để thực hiện Kế hoạch này một cách có hiệu quả nhất.
Công tác tổng kết Chỉ thị 06 đang được thực hiện với tinh thần khoa học và khẩn trương. Theo đó công tác tổng kết tuân thủ chặt chẽ các nguyên tắc, quy chuẩn của một đánh giá chính sách y tế mang tính chiến lược đồng thời đáp ứng yêu cầu rất khắt khe về khung thời gian thực hiện.
Cho tới nay, phần lớn các hoạt động chính trong Kế hoạch tổng kết việc triển khai thực hiện Chỉ thị 06 đã được hoàn thành trong một thời gian rất ngắn, bao gồm việc xây dựng Đề cương đánh giá; Thu thập thông tin từ các Bộ/Ngành, các điạ phương và các cơ sở y tế; Tổng quan tài liêụ sẵn có liên quan tới việc đánh giá mạng lưới YTCS, đặc biệt từ các đánh giá mang tính hệ thống trong thời gian gần đây như: Đánh giá việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 20-NQTW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới; Đánh giá việc triển khai thực hiện Quyết định 2348 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới YTCS trong tình hình mới; Đánh giá việc thực hiện Chuẩn quốc gia về y tế xã… cũng như tổng quan các bài học kinh nghiệm quốc tế về CSSK ban đầu;
Thực hiện các đợt khảo sát thực địa tại một số địa phương; Dự thảo Báo cáo tổng kết; Tổ chức các buổi tham vấn chuyên ngành hẹp với các chuyên gia trong nước và quốc tế; Tổ chức 2 Hội nghị toàn quốc về YTCS để xin ý kiến đóng góp của các Bộ/Ban/Ngành TW, các địa phương, các cơ sở y tế, các tổ chức quốc tế và các chuyên gia y tế.
Hiện nay, dự thảo báo cáo tổng kết đang tiếp tục được hoàn thiện để dự kiến trình Ban Bí thư vào tháng 5/2023.
Qua quá trình tổng kết đánh giá quá trình hơn 20 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 06, chúng ta nhận thấy rằng những yêu cầu đặt ra trong tình hình mới đòi hỏi YTCS phải có bước phát triển mới dựa trên sự thay đổi về chất. Điều này đòi hỏi một số chuyển đổi quan trọng, cụ thể:
Về xác định ưu tiênĐối với công tác chăm sóc sức khỏe, CSSKBĐ/YTCS cần được coi là ưu tiên hàng đầu. Đây vừa là ưu tiên dài hạn vừa là ưu tiên bức thiết cần giải quyết ngay.
Về phương thức CSSK: Cần chuyển từ trọng tâm giải quyết bệnh tật sang CSSK toàn diện, lồng ghép và liên tục suốt đời, chú trọng giải quyết các vấn đề nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe.
 

Cần có những giải pháp đồng bộ để tăng cường năng lực tổng thể của y tế cơ sở trong tình hình mới - Ảnh 5.

 

Về tư duy đầu tư cho YTCS: Cần chuyển từ quan niệm trước đây coi đầu tư cho CSSK ban đầu không đòi hỏi nhiều kinh phí (đầu tư rẻ tiền) sang quan điểm coi đầu tư cho CSSK ban đầu đòi hỏi kinh phí đầu tư tương xứng nhưng là phương thức đầu tư mang lại hiệu quả cao nhất tới sức khỏe người dân.
Chúng ta cũng cần cách tiếp cận mang tính hệ thống. Theo đó không chỉ chú trọng các yếu tố nội tại của mạng lưới YTCS mà cần chú ý sự cân bằng tổng thể của hệ thống y tế cũng như sự tương tác của hệ thống y tế với những ngành, lĩnh vực khác cũng như với cộng đồng
Những chuyển đổi này sẽ dẫn tới hàng loạt thay đổi trong các khía cạnh cụ thể liên quan tới YTCS (Quản trị, cung ứng dịch vụ, hạ tầng kỹ thuật, nhân lực y tế, tài chính y tế, thông tin thống kê…) để tạo xung lực cho sự phát triển YTCS trong thời gian tới.
- Xin trân trọng cảm ơn bà!

 


Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 15
Hôm nay : 58
Tháng 12 : 62.042