A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em

Quảng Ninh là tỉnh có địa bàn khá rộng, nhiều xã vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Trước kia, ở những nơi này, nhận thức của người dân về sức khoẻ nói chung, sức khỏe của phụ nữ và trẻ em nói riêng vẫn còn hạn chế. Tuy nhiên những năm gần đây, tình trạng này đã được cải thiện đáng kể.

 
Để nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ nhân viên y tế ở các tuyến về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em, trong những năm qua, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh cùng các bệnh viện tuyến tỉnh thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ, áp dụng các kỹ thuật mới thuộc lĩnh vực sức khỏe sinh sản (SKSS), phòng chống suy dinh dưỡng ở trẻ em cho y tế tuyến huyện, tuyến xã; như: Lớp tập huấn làm mẹ an toàn, phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, khám sàng lọc phát hiện ung thư cổ tử cung, kỹ thuật soi cổ tử cung, phòng chống suy dinh dưỡng cho trẻ em…

 

Nội soi tai, mũi, họng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

Nội soi tai, mũi, họng cho bệnh nhi tại Bệnh viện Sản nhi tỉnh.

 

Riêng năm 2021, các đơn vị đã phối hợp tổ chức 2 lớp tập huấn về chăm sóc SKSS vị thành niên, thanh niên cho cán bộ y tế của trung tâm y tế Bình Liêu và Ba Chẽ; thực hiện 24 lớp tập huấn về Phần mềm thống kê báo cáo SKSS, chăm sóc trẻ bệnh, kế hoạch hóa gia đình, làm mẹ an toàn, khám phát hiện và sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng VIA/VILI...
Bên cạnh đó, hoạt động truyền thông về chăm sóc sức khỏe phụ nữ, trẻ em cũng được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú với sự tham gia của nhiều ngành, đoàn thể. Riêng ngành Y tế năm 2021 đã sản xuất, treo hàng trăm băng rôn truyền thông uống vitamin A, tuần lễ dinh dưỡng và phát triển trên các tuyến đường; thực hiện 2.850 lượt truyền thông, giáo dục phòng chống suy dinh dưỡng phát trên hệ thống phát thanh ở các xã, phường, thị trấn, thôn, bản. CDC tỉnh cũng đã phối hợp tổ chức tư vấn nói chuyện chuyên đề tại 177 xã, phường cho 5.310 phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ; tổ chức 436 buổi thực hành dinh dưỡng cho 13.080 phụ nữ có thai, bà mẹ nuôi con nhỏ; thực hiện 205 buổi truyền thông cho 4.125 vị thành niên tại cộng đồng; duy trì hoạt động chăm sóc SKSS vị thành niên tại các điểm cung cấp dịch vụ, câu lạc bộ thân thiện thanh thiếu niên... 
Ngành cũng tập trung vào khám, phát hiện các bệnh thường gặp ở phụ nữ trẻ em, khám phát hiện nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung... Năm 2021, toàn tỉnh có trên 78.760 lượt phụ nữ khám phụ khoa, trong đó 6.761 lượt được sàng lọc ung thư cổ tử cung bằng phương pháp VIA. CDC tỉnh còn phối hợp với các địa phương tổ chức sàng lọc yếu tố nguy cơ ung thư vú cho 300 phụ nữ tại xã Vạn Ninh, Vĩnh Thực của TP Móng Cái, khám phát hiện các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản và ung thư cổ tử cung cho 300 phụ nữ ở huyện Tiên Yên; điều tra tỷ lệ bướu cổ trẻ em 8-10 tuổi tại 22 trường tiểu học trên địa bàn tỉnh; khám và siêu âm tuyến giáp cho 1.320 trẻ 8-10 tuổi;  phỏng vấn khảo sát kiến thức 286 bà mẹ của trẻ tham gia hoạt động điều tra bướu cổ... Trong số 177 xã, phường, thị trấn trên địa bàn có 141 xã, phường, thị trấn được giám sát hoạt động chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em.
 

Khám bệnh về răng, miệng cho trẻ tại Trường Mầm non thị trấn Quảng Hà.

Khám bệnh về răng, miệng cho trẻ tại Trường Mầm non thị trấn Quảng Hà, Hải Hà.

 

Hoạt động cho trẻ trong độ tuổi uống vitamin A, điều tra dinh dưỡng trẻ em cũng được ngành Y tế và các ngành, địa phương liên quan đẩy mạnh. Năm 2021, tỷ lệ trẻ 6 đến 36 tháng tuổi uống vitamin A đạt gần 99%, bà mẹ sau sinh được uống vitamin A đạt gần 85%. Ngành y tế đã tiến hành điều tra dinh dưỡng 30 cụm thuộc 12 huyện (trừ Cô Tô), đẩy mạnh hoạt động quản lý thai nghén ngay từ tuyến cơ sở nhằm hạn chế thấp nhất tử vong bà mẹ và trẻ sơ sinh.
Năm 2021, tỷ lệ phụ nữ đẻ được khám thai từ 4 lần trở lên trong giai đoạn thai kỳ đạt 87%, tỷ lệ phụ nữ đẻ được nhân viên y tế đã qua đào tạo đỡ đẻ đạt 99,5%, bà mẹ và trẻ sơ sinh được chăm sóc tuần đầu sau sinh đạt 55%, tỷ suất chết trẻ em dưới 1 tuổi chỉ còn 2,3‰, tỷ suất chết trẻ em dưới 5 tuổi chỉ còn 3,6‰ , tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng thể nhẹ cân còn khoảng 11,9% và tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng thể thấp còi dưới 27,7%...
Việc nâng cao năng lực chăm sóc bà mẹ, trẻ em ở tất cả các tuyến trên địa bàn đã giúp người dân tiếp cận với các dịch vụ y tế một cách tốt hơn, xóa dần khoảng cách chênh lệch nhận thức về chăm sóc sức khỏe giữa các vùng miền trên địa bàn tỉnh.

Tác giả: Thu Nguyệt
Nguồn:https://baoquangninh.com.vn/cham-soc-suc-khoe-phu-nu-va-tre-em-3183206.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 5
Hôm nay : 68
Tháng 04 : 84.562