A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19, phấn đấu GDP năm 2022 đạt khoảng 8%

SKĐS - Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19
Tại Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 9/2022, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và  Đầu tư đã có các Báo cáo về tình hình kinh tế-xã hội (KTXH) tháng 9 và 9 tháng năm 2022; triển khai Chương trình phục hồi và phát triển KTXH; phân bổ, giải ngân kế hoạch vốn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2022; triển khai 03 Chương trình mục tiêu quốc gia.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, tăng trưởng kinh tế đạt kết quả tích cực so với cùng kỳ: GDP quý III tăng 13,67%, trong đó khu vực nông, lâm, thủy sản tăng 3,24%, công nghiệp-xây dựng tăng 12,91%, dịch vụ tăng 18,86%; tính chung 9 tháng GDP tăng 8,83%, cao nhất từ năm 2011 đến nay, phục hồi và tăng đồng đều trong cả 03 khu vực, lần lượt là 2,99%, 9,44% và 10,57%.
Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn: CPI bình quân 9 tháng tăng 2,73%, tương đương cùng kỳ các năm 2018-2021; bảo đảm nguồn cung điện, xăng dầu; khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội phương án giảm thuế xăng dầu, tạo dư địa hỗ trợ giá trong trường hợp cần thiết.

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19, phấn đấu GDP năm 2022 đạt khoảng 8% - Ảnh 2.

Các đại biểu tham dự phiên họp tại đầu cầu trụ sở Chính phủ - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Hoạt động sản xuất, kinh doanh có nhiều khởi sắc. Trong đó, sản xuất nông nghiệp cơ bản ổn định, bảo đảm nguồn cung lương thực, thực phẩm đáp ứng tiêu dùng trong nước và xuất khẩu; bảo đảm tiến độ sản xuất, tái đàn, tái vụ, phục vụ nhu cầu tiêu dùng tăng cao trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới. Sản lượng thủy sản đánh bắt đã bắt đầu phục hồi trở lại, bà con ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển…
Tiếp tục triển khai các chính sách an sinh xã hội, hỗ trợ người nghèo, đối tượng chính sách; các chính sách tín dụng ưu đãi trong 9 tháng đã giải ngân trên 77.000 tỷ đồng, hỗ trợ gần 1,8 triệu hộ nghèo, đối tượng chính sách vay vốn. Quan tâm hơn công tác dạy nghề, phát triển thị trường lao động; tình hình lao động, việc làm khởi sắc, tỉ lệ thất nghiệp, thiếu việc làm 9 tháng lần lượt là 2,35% và 2,29%, giảm so với cùng kỳ năm trước (2,67% và 3,04%). Làm tốt công tác bảo trợ xã hội; chăm lo, bảo vệ và phát triển trẻ em.
Công tác phòng, chống dịch COVID-19, các dịch bệnh mới phát sinh tiếp tục được chú trọng. Việt Nam đứng thứ 7 thế giới về tỷ lệ tiêm liều nhắc lại, thứ 5 về số liều vaccine trung bình mỗi người dân nhận được. Nhờ vậy, dịch COVID-19 được kiểm soát, tỉ lệ chuyển nặng, tử vong rất thấp so với các nước, tránh được nguy cơ "dịch chồng dịch"; xếp thứ 02 thế giới về phục hồi sau dịch.

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19, phấn đấu GDP năm 2022 đạt khoảng 8% - Ảnh 3.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tại phiên họp - Ảnh: VGP/Nhật Bắc.
Ngành giáo dục đã tổ chức tốt kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông quốc gia, tuyển sinh đại học, cao đẳng, khai giảng năm học mới; tích cực đổi mới, nâng cao chất lượng sách giáo khoa, triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, tuyển dụng biên chế giáo viên đáp ứng yêu cầu năm học mới…
Còn nhiều thách thức
Bên cạnh đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cũng nêu rõ một số tồn tại, khó khăn, thách thức. Nền kinh tế mặc dù đã phục hồi mạnh mẽ, nhưng tăng trưởng 9 tháng đầu năm bình quân 03 năm 2020-2022 chỉ đạt 5,41%, chưa bù đắp để đạt được mức tăng trưởng tương đương cùng kỳ các năm trước dịch 2016-2019 (6,88%). Các cấp, các ngành cần nỗ lực hơn nữa để nắm bắt cơ hội phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng bình quân 05 năm 2021-2025 (6,5-7%/năm).
Hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Nguy cơ suy thoái tại nhiều nước ngày càng trở nên rõ ràng hơn; kim ngạch xuất khẩu hàng hóa, lượng khách du lịch… có khả năng bị thu hẹp hơn, gia tăng thách thức lên tăng trưởng xuất khẩu, du lịch nước ta. Các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản còn tiềm ẩn rủi ro. Dịch COVID-19 còn tiềm ẩn khả năng diễn biến phức tạp.

Việt Nam xếp thứ 2 thế giới về phục hồi sau dịch COVID-19, phấn đấu GDP năm 2022 đạt khoảng 8% - Ảnh 4.

Tăng trưởng GDP 9 tháng cao nhất trong 12 năm qua.
"Nhìn chung, trong tháng 9 và 9 tháng, nền kinh tế có xu hướng phục hồi rất tích cực; tăng trưởng kinh tế cao, đồng thời vẫn giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được lạm phát và bảo đảm được các cân đối lớn. Đây là nền tảng quan trọng để thúc đẩy phục hồi kinh tế và phát triển bền vững, tạo dư địa nguồn lực ứng phó với những rủi ro, thách thức của tình hình thế giới hiện nay", Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.
Trên cơ sở kết quả 9 tháng đầu năm 2022, dự báo tình hình quý IV, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị phấn đấu đạt tăng trưởng cả năm khoảng 8%, tạo động lực cho tăng trưởng kinh tế năm 2023.
Về phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm những tháng cuối năm, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị các bộ, cơ quan, địa phương cần thực hiện nhanh, hiệu quả, thực chất, toàn diện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP và 124/NQ-CP, Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, Chương trình phòng, chống dịch COVID-19, Chỉ thị 15/CT-TTg về ổn định kinh tế vĩ mô; chủ động ứng phó linh hoạt, kịp thời với các tình huống phát sinh, đồng thời bảo đảm dư địa nguồn lực, chính sách để ứng phó với những biến động trong trung và dài hạn của tình hình thế giới; đồng thời tập trung thực hiện nhanh, hiệu quả các giải pháp căn cơ để đạt mục tiêu phát triển 05 năm đề ra.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/viet-nam-xep-thu-2-the-gioi-ve-phuc-hoi-sau-dich-covid-19-phan-dau-gdp-nam-2022-dat-khoang-8-169221001125018743.htm#img-lightbox-1 Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 18
Hôm nay : 3.491
Tháng 01 : 70.683