A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

SKĐS - Quốc hội vừa thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược sẽ được trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 8.
Cho ý kiến lần đầu Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược tại Kỳ họp thứ 7
Sáng 2/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, với 446/465 ĐBQH tham gia biểu quyết tán thành (chiếm 90,28% tổng số ĐBQH), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Quốc hội điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023. Theo đó, quyết nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 5/2023), thông qua tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở.
Trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 (tháng 10/2023) các dự án: Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Về chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024. Theo đó, tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) sẽ trình Quốc hội thông qua 9 luật, 1 nghị quyết gồm: Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi); Luật Lưu trữ (sửa đổi); Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp; Luật Đường bộ; Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ; Luật Thủ đô (sửa đổi); Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Cảnh vệ (theo quy trình tại một kỳ họp); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản; Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Kỳ họp này cũng trình Quốc hội cho ý kiến 9 dự án luật: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật.
Tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024), trình Quốc hội thông qua 9 luật gồm: Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Công đoàn (sửa đổi); Luật Di sản văn hóa (sửa đổi); Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng không nhân dân; Luật Quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn; Luật Tư pháp người chưa thành niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và quy chuẩn kỹ thuật. Kỳ họp này cũng trình Quốc hội cho ý kiến 2 dự án luật gồm: Luật Chuyển đổi giới tính; Luật Việc làm (sửa đổi).
Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi Luật để sớm trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.
Sớm hoàn thiện hồ sơ để trình Luật Bảo hiểm y tế
Cũng trong phiên họp sáng nay, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đã có giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.
Về dự án Luật Chuyển đổi giới tính, ông Tùng cho biết, UBTVQH nhận thấy, bản dạng giới là vấn đề phức tạp, cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cả về mặt khoa học, thực tiễn, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để điều chỉnh phù hợp với điều kiện phát triển KT-XH của nước ta cũng như truyền thống văn hóa, nhận thức xã hội…

Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược dự kiến thông qua Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV - Ảnh 2.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng.
Trong khuôn khổ quy định của Hiến pháp, để bảo đảm tính thống nhất với các luật hiện hành có liên quan, UBTVQH thống nhất với ĐBQH Nguyễn Anh Trí đề nghị Quốc hội cho giữ phạm vi điều chỉnh của Luật như hồ sơ đề nghị xây dựng Luật. Trong quá trình thi hành Luật sau này sẽ tiến hành sơ kết, tổng kết, xem xét việc sửa đổi, mở rộng phạm vi điều chỉnh của Luật khi đáp ứng đủ điều kiện.
Về tiến độ trình dự án Luật, do chuyển đổi giới tính là vấn đề mới và khó, nội dung điều chỉnh tác động đến nhiều khía cạnh xã hội, liên quan tới nhiều văn bản luật khác, cần có sự nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng để bảo đảm tính khả thi, đề nghị Quốc hội cho giữ tiến độ trình dự án Luật này tại kỳ họp thứ 8 như đã đề xuất để có thêm thời gian chuẩn bị.
Về đề nghị sửa đổi Luật Bảo hiểm y tế, UBTVQH tán thành với ý kiến của ĐBQH cần khẩn trương sửa đổi Luật này để khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong thực tiễn và bảo đảm đồng bộ với các quy định có liên quan của Luật Khám bệnh, chữa bệnh mới được Quốc hội thông qua.
Chính phủ đã lập đề nghị xây dựng Luật và đề xuất đưa vào Chương trình năm 2022 nhưng tại phiên họp thứ 10 (tháng 4/2022), qua xem xét UBTVQH thấy rằng, nhiều nội dung chính sách của dự án Luật cần được tiếp tục nghiên cứu, làm rõ để bảo đảm tính khả thi nên đã đề nghị Chính phủ chỉ đạo chuẩn bị lại hồ sơ. Tiếp thu ý kiến của các ĐBQH, đề nghị Chính phủ khẩn trương chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, hoàn thiện hồ sơ đề nghị sửa đổi luật để sớm trình UBTVQH xem xét, quyết định việc bổ sung vào chương trình.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/luat-sua-doi-bo-sung-mot-so-dieu-cua-luat-duoc-du-kien-thong-qua-ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-169230602091911523.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 5
Hôm nay : 2.952
Tháng 11 : 74.004