Bệnh viện Bãi Cháy điều trị thành công cho bệnh nhân Schoenlein Henoch
Mới đây, Đơn nguyên Da liễu, khoa Nội tổng hợp,Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận một bệnh nhân nam 51 tuổi, thường trú tại xã Bản Sen, huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh vào viện với lí do: nổi nhiều các ban xuất huyết ở 2 cẳng chân.
Bác sĩ Chu Thùy Linh, Đơn nguyên Da liễu – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy khám bệnh cho bệnh nhân.
Trước khi vào viện khoảng 10 ngày, bệnh nhân xuất hiện ban xuất huyết dạng chấm, nốt, nổi gồ lên trên mặt da, vị trí đối xứng ở 2 chi dưới; kèm theo bệnh nhân có các triệu chứng: phù nhẹ 2 chân; đau khớp cổ chân, đau khớp gối; đau bụng từng cơn. Các xét nghiệm công thức máu, sinh hóa máu, đông máu trong giới hạn bình thường. Bệnh nhân được chẩn đoán: Ban xuất huyết Schonlein – henoch. Bệnh nhân được điều trị Corticoid toàn thân. Sau 8 ngày điều trị, các ban xuất huyết giảm, không còn các triệu chứng: phù, đau bụng, đau khớp cổ chân và đau khớp gối.
Ban xuất huyết mọc kín 2 cẳng chân bệnh nhân.
Bác sĩ Chu Thùy Linh, Đơn nguyên Da liễu – Khoa Nội tổng hợp, Bệnh viện Bãi Cháy cho biết: Ban xuất huyết Schoenlein – Henoch là bệnh viêm mạch hệ thống, gây viêm các mạch máu nhỏ ở nhiều cơ quan: da, khớp, tiêu hóa, thận…Bệnh đặc trưng bởi các ban xuất huyết ( ấn kính không mất màu) nổi gồ lên trên mặt da, không có giảm tiểu cầu, thường tập trung ở các vùng chịu áp lực như chi dưới, mông và kèm theo một số các triệu chứng khác: đau bụng từng cơn, nôn, đi ngoài ra máu; sưng, đau các khớp; phù, đái ít, đái máu…
Bệnh còn được biết với nhiều tên gọi khác như viêm mao mạch dị ứng, hội chứng viêm mạch Schoenlein-Henoch, ban xuất huyết dạng thấp, ban xuất huyết dạng phản vệ… Ban xuất huyết Schoenlein – Henoch có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng chủ yếu xảy ra ở trẻ em và những người trẻ tuổi với 50% các trường hợp xảy ra trước 5 tuổi và 75% xảy ra trong độ tuổi 3-10, độ lưu hành bệnh trong độ tuổi từ 2-16 khoảng 2%, tỷ lệ mắc bệnh ở nam giới gấp 2 lần nữ.
Hiện nay, nguyên nhân của bệnh Ban xuất huyết Schoenlein – Henoch vẫn còn chưa được biết rõ. Nhiều nghiên cứu chỉ ra Ban xuất huyết Schoenlein – Henoch khởi phát sau khi người bệnh mắc các bệnh đường hô hấp trên khoảng vài tuần trước khi xuất hiện triệu chứng với tỷ lệ khoảng từ 30 – 50%. Hay nguyên nhân do các vi khuẩn hoặc virus như tụ cầu, liên cầu, trực khuẩn lao, nấm. Một số trường hợp bệnh xuất hiện sau khi người bệnh sử dụng thuốc, sau khi tiêm phòng vacxin và sau khi bị côn trùng đốt. Bệnh còn liên quan đến cơ địa dị ứng, viêm da dị ứng, sau khi ăn các thức ăn lạ, khi thay đổi thời tiết.
Cũng theo bác sĩ Linh, ban xuất huyết dị ứng Schoenlein – Henoch hiện nay chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, chủ yếu là điều trị triệu chứng, bảo vệ thành mạch, chống dị ứng, giảm ảnh hưởng tối đa đến các cơ quan và phòng ngừa biến chứng. Do đó, việc theo dõi và điều trị triệu chứng từ sớm sẽ giúp giảm nhẹ và tránh các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Trong giai đoạn cấp, tất cả người bệnh cần nghỉ ngơi từ 1 – 2 tháng để các triệu chứng của bệnh giảm dần, tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Bên cạnh đó, người bệnh cần có chế độ ăn uống hợp lý để hạn chế ảnh hưởng đến các cơ quan tiêu hóa. Nên tăng cường bổ sung các loại thức ăn lỏng, mềm dễ tiêu hóa, chia thành nhiều bữa ăn nhỏ để tránh gây áp lực lên đại tràng. Hạn chế sử dụng chất xơ, các loại thức ăn cay nóng làm tổn thương đến hệ tiêu hóa
Ban xuất huyết Schoenlein – Henoch gây tổn thương và biến chứng ở nhiều cơ quan như: nhồi máu cơ tim, viêm cơ tim, xuất huyết phế nang, tràn dịch màng phổi, xuất huyết não, xuất huyết tiêu hóa, lồng ruột cấp, viêm cầu thận cấp, suy thận, viêm tinh hoàn, xoắn thừng tinh……