A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Củng cố y tế dự phòng, tăng năng lực ứng phó dịch bệnh

Những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh quan tâm đầu tư củng cố nâng cao năng lực y tế dự phòng. Qua đó góp phần tăng hiệu quả phòng, chống dịch bệnh; làm tốt công tác bảo vệ, chăm sóc sức khoẻ nhân dân.
Hệ thống Y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh quan tâm đầu tư nâng cấp về cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, từng bước củng cố, cải thiện năng lực ngăn chặn các bệnh dịch nguy hiểm, không để xảy ra dịch bệnh lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 6 trung tâm thực hiện chức năng dự phòng tuyến tỉnh: CDC Quảng Ninh (trên cơ sở hợp nhất 5 đơn vị chuyên khoa, chuyên ngành tuyến tỉnh); Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế Quảng Ninh, thực hiện công tác kiểm dịch y tế biên giới ở các cửa khẩu, sân bay và đường mòn, lối mở, điểm xuất hàng; Trung tâm Vận chuyển cấp cứu; Trung tâm Kiểm nghiệm; Trung tâm Giám định y khoa; Trung tâm Pháp y. Đối với tuyến huyện, từ năm 2018 tỉnh thực hiện hợp nhất các bệnh viện đa khoa, trung tâm y tế, trung tâm dân số thành trung tâm y tế đa chức năng tại 12/13 địa phương. Riêng Trung tâm Y tế TP Cẩm Phả có chức năng dự phòng và dân số.

Kỹ thuật viên Khoa Xét nghiệm vi sinh - huyết học (CDC Quảng Ninh) vận hành hệ thống Roche Cobas 5800 (tự động đo tải lượng virus).
Từ đầu năm 2023 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 3.793 ca mắc Covid-19, 533 ca sốt xuất huyết, 443 ca mắc tay chân miệng, tăng 26,9% so với cùng kỳ năm 2022. Ngoài ra, một số ca mắc viêm não, bệnh dại, liên cầu lợn, thương hàn. Trước tình hình đó, ngành Y tế tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân về phòng chống dịch bệnh; tập huấn giám sát, phát hiện ca bệnh truyền nhiễm, tập huấn lấy mẫu xét nghiệm cho các cơ sở y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến xã, tập huấn phòng chống lây nhiễm dịch bệnh trong các cơ sở y tế, trong cộng đồng; tư vấn, hướng dẫn các sở, ngành, đơn vị, doanh nghiệp, trường học và nhân dân về việc khử trùng trong phòng, chống dịch bệnh... Các đơn vị dự phòng và đơn vị điều trị đã phối hợp chặt chẽ, kịp thời phát hiện các ca mắc bệnh có thể bùng phát thành dịch để xử lý, khoanh vùng, dập dịch một cách nhanh chóng nhất.
CDC Quảng Ninh là đơn vị đầu mối, chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, kỹ thuật về y tế dự phòng trên địa bàn tỉnh; trong đó công tác phòng, chống dịch bệnh là hoạt động chuyên môn được thực hiện đồng bộ, hiệu quả.
Để nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm, tỉnh luôn quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, nâng cao năng lực xét nghiệm phòng, chống dịch cho các đơn vị y tế trên địa bàn. Phòng xét nghiệm của CDC tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh. Hiện CDC có thể xét nghiệm và chẩn đoán chính xác kết quả hầu hết các mẫu bệnh phẩm các chủng cúm A (H5N1/H7N9), Mesr-CoV, Ebola, tay chân miệng, rubella, sốt xuất huyết, sởi, định lượng được nồng độ vi rút (viêm gan, HPV, HIV), lĩnh vực hóa, thực phẩm, môi trường và mới đây là xét nghiệm được Covid-19... CDC đã xây dựng được phòng xét nghiệm đạt an toàn sinh học cấp II, đạt ISO 17025-2017, ISO 15189-2012 đầu tiên của ngành Y tế tỉnh. Các chương trình y tế quốc gia và tỉnh thực hiện đạt kết quả cao, khống chế nhiều dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, tiến tới thanh toán và khống chế dịch bệnh; tỷ lệ tiêm chủng mở rộng đủ mũi cho trẻ dưới 1 tuổi nhiều năm liền đạt trên 95%.
Đặc biệt trong những năm ứng phó với đại dịch Covid-19, CDC Quảng Ninh luôn khẳng định được vai trò, trách nhiệm là đơn vị đầu mối, thường trực trong công tác phòng, chống dịch. Đơn vị đã theo dõi, giám sát, quản lý thông tin cho hơn 360.000 F0 trên toàn tỉnh; đặc biệt trực tiếp tham gia hỗ trợ, xử lý nhiều ổ dịch phức tạp tại Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Hải Hà, Đầm Hà...; tập huấn chuyên môn cho 15 đội đáp ứng nhanh, hơn 2.000 cán bộ y tế tuyến huyện, xã, tổ phòng chống Covid-19 cộng đồng về công tác giám sát, truy vết, xử lý dịch, thống kê báo cáo, tiêm chủng vắc-xin phòng Covid-19. CDC Quảng Ninh là đơn vị tuyến tỉnh đầu tiên trong nước ứng dụng thành công kỹ thuật Realtime RT-PCR (sinh học phân tử) để xét nghiệm Covid-19 chính xác và nhanh chóng.

Cán bộ CDC Quảng Ninh giám sát véc-tơ sốt xuất huyết tại xã Lục Hồn (huyện Bình Liêu), tháng 9/2023. Ảnh: Hoài Minh
Cùng với kiểm soát các bệnh truyền nhiễm, các vấn đề sức khỏe môi trường, y tế trường học, chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em, kiểm soát bệnh không lây nhiễm,... cũng được CDC Quảng Ninh chú trọng đẩy mạnh, thông qua phát triển mạng lưới, giám sát phát hiện các nguy cơ. Đồng thời phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội thực hiện các biện pháp can thiệp và đánh giá hiệu quả các biện pháp can thiệp để từng bước giảm thiểu các nguy cơ ảnh hưởng tới sức khỏe cộng đồng, giảm gánh nặng bệnh tật do các bệnh không lây nhiễm.
Bên cạnh hệ thống xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh tại trụ sở, CDC Quảng Ninh còn hỗ trợ, hướng dẫn các đơn vị bệnh viện, nhất là 13 trung tâm y tế tuyến huyện, nâng cấp, triển khai các xét nghiệm chẩn đoán dịch bệnh kỹ thuật cao, nhằm chủ động hơn nữa trong công tác chẩn đoán dịch bệnh, chủ động đáp ứng với tình hình dịch bệnh truyền nhiễm phức tạp.

Nguồn:https://baoquangninh.vn/cung-co-y-te-du-phong-tang-nang-luc-ung-pho-dich-benh-3276438.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 13
Hôm nay : 236
Tháng 12 : 106.572