A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường triển khai các biện pháp phòng, chống dịch sốt xuất huyết

Từ đầu năm đến nay cả nước đã ghi nhận hơn 260.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trên 100 trường hợp tử vong. Riêng khu vực miền Bắc, tính đến ngày 23/10/2022 đã ghi nhận 16.710 trường hợp, tăng gần gấp 3 lần so với cùng kỳ năm 2021. Tại tỉnh Quảng Ninh, tổng số ca mắc sốt xuất huyết từ đầu năm đến nay giảm so với cùng kỳ năm 2021 tuy nhiên số ca mắc mới lại tập trung trong gần 2 tháng trở lại đây. Để ngăn chặn bùng phát dịch sốt xuất huyết, ngành Y tế đang tích cực phối hợp với chính quyền các địa phương triển khai biện pháp phòng, chống dịch.
Theo số liệu giám sát về tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh, tính từ đầu năm đến ngày 23/10/2022, toàn tỉnh đã ghi nhận 274 ca, trong đó 241 ca có kết quả xét nghiệm dương tính. Số ca mắc giảm 32,3% so với cùng kỳ năm 2021. Nhưng trong gần 2 tháng trở lại đây, trên địa bàn tỉnh đã ghi nhận 201 ca mắc sốt xuất huyết, chiếm 83,4% số ca mắc từ đầu năm.

Bệnh nhân điều trị sốt xuất huyết tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh
           Đánh giá tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết tại Quảng Ninh, đặc biệt tại thành phố Hạ Long đang diễn biến phức tạp, nguy cơ bùng phát dịch là rất cao nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống dịch, Sở Y tế đã chỉ đạo các đơn vị y tế từ tuyến tỉnh đến tuyến huyện, tuyến xã tích cực phối hợp với chính quyền địa phương tăng cường giám sát tại hộ gia đình, tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện diệt loăng quăng, bọ gậy và đề nghị các gia đình thực hiện hàng tuần. Bà Phạm Thị Hoa -Tổ 6 Khu 7B, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long  cho biết: Hàng ngày tôi thường xuyên dọn vệ sinh, quét dọn, xem có chậu nước, thùng nước đọng nước mưa thì có trách nhiệm dọn vệ sinh sạch sẽ để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết, tuyên truyền cho mọi người không nên để như vậy để đảm bảo sức khỏe bản thân mình và cộng đồng.
           Ông Nguyễn Văn Khánh, Tổ trưởng Tổ 6 Khu 7B, phường Hồng Hải, TP.Hạ Long cho biết:Được sự quan tâm của phường và trạm y tế thường xuyên xuống đây hướng dẫn và đi kiểm tra, đi các ngõ ngách hướng dẫn diệt loăng quăng bọ gậy và xử lý các ổ dịch khi phát sinh. Đặc biệt trong ngày hôm nay nhận được tin Tổ 6 có 2 trường hợp mắc sốt xuất huyết, chúng tôi đã thông báo lên zalo cho mọi người dân được biết và mọi người đều hưởng ứng, ủng hộ cách diệt loăng quăng, không để dịch bệnh này lan tràn cho người dân.

Giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long

Trạm trưởng trạm Y tế và Tổ trưởng tổ 6 khu 7B phường Hồng Hải tuyên truyền phòng, chống dịch sốt xuất huyết cho nhân dân trên địa bàn
        13/13 huyện/thị xã/thành phố trong tỉnh đã triển khai thực hiện giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết, đặc biệt các điểm có nguy cơ cao. Kết quả giám sát cho thấy phát hiện loài muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết tại 13/13 huyện/thị/ thành phố. Chỉ số giám sát tại các đơn vị ghi nhận 37/91 điểm giám sát có chỉ số véc tơ cao vượt ngưỡng gây dịch. Thạc sĩ Nguyễn Thị Bích Hường – Trưởng khoa Ký sinh trùng – Côn trùng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Ninh cho biết:“Xác định bệnh sốt xuất huyết là không có muỗi, không có loăng quăng truyền bệnh là không có sốt xuất huyết. Không phải khi có dịch rồi thì chúng ta mới đi phun và xử lý, mà phòng, chống véc tơ là chúng ta phải nâng cao được ý thức của người dân, thay đổi được những thói quen, hành vi, sinh hoạt và giúp cho người dân hiểu được nguyên nhân gây bệnh sốt xuất huyết, từ đó người dân sẽ phối hợp với ngành Y tế để làm tốt công tác phòng, chống véc tơ. Chúng tôi đã chỉ đạo các huyện đi giám sát véc tơ định kỳ, địa phương nào có các chỉ số véc tơ cao vượt ngưỡng gây dịch sẽ triển khai các chiến dịch dọn vệ sinh môi trường, phun diệt muỗi trưởng thành, xử lý các ổ loăng quăng/bọ gậy để phòng chống chủ động bệnh sốt xuất huyết cho người dân.”

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại nhà dân phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long

Cán bộ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh giám sát véc tơ truyền bệnh sốt xuất huyết tại nhà dân phường Hồng Hà, thành phố Hạ Long

Muỗi vằn truyền bệnh sốt xuất huyết được phát hiện tại nhà dân phường Hồng Hải
           Hiện tại Việt Nam chưa có thuốc điều trị đặc hiệu hay vắc xin phòng bệnh sốt xuất huyết mà chỉ điều trị triệu chứng và đề phòng các biến chứng nặng. Do vậy, công tác dự phòng là ưu tiên hàng đầu trong phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Mỗi người dân cần tự giác, chủ động thực hiện tốt các biện pháp phòng chống dịch bệnh tại hộ gia đình, đường làng ngõ xóm: Lật úp và thu gom các dụng cụ lắng nước, thường xuyên kiểm tra, thoát nước cho các chậu cây cảnh, các bẹ cây lớn có khả năng chứa nước đọng sau những đợt nước mưa, phun thuốc diệt côn trùng tại những nơi có nguy cơ cao… không để muỗi sinh sản, phát triển lây truyền bệnh cho bản thân và cộng đồng./.

Nguồn:https://suckhoequangninh.vn/tang-cuong-trien-khai-cac-bien-phap-phong-chong-dich-sot-xuat-huyet/ Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 15
Hôm nay : 571
Tháng 12 : 131.847