Viêm phổi ở trẻ em là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi, nhưng thường gặp nhất là ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi. Các gia đình có trẻ nhỏ cần chủ động phòng bệnh và nhận biết sớm các dấu hiệu viêm phổi để đưa trẻ đi khám, điều trị, phòng ngừa biến chứng.
Bệnh viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, khi vi rút và vi khuẩn tấn công cơ quan này, tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn gây bệnh viêm phổi thường gặp nhất là phế cầu khuẩn.
Theo thống kê tại Khoa Nhi, Bệnh viện Bãi Cháy, từ đầu năm đến tháng 10/2023, khoa đã điều trị cho 815 bệnh nhi mắc viêm phổi. Còn tại Bệnh viện Phổi Quảng Ninh, trong 10 tháng năm 2023, bệnh viện đã khám, phát hiện 141 trẻ viêm phổi, trong đó điều trị nội trú đối với 45 trẻ.
Có nhiều nguyên nhân gây bệnh viêm phổi ở trẻ. Ở nhóm trẻ dưới 5 tuổi mắc viêm phổi thường do nhiễm vi khuẩn Streptococcus nhóm B, Listeria momocytogenes, H.influenza.s, Branhamella Catarrhalis, S.aureus. Ở trẻ dưới 2 tháng tuổi thường là do vi khuẩn Klebsiella Pneumonia, E.Coli, vi khuẩn gram âm. Khi vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể sẽ di chuyển đến các thùy phổi và khu trú ở đây; sau đó bắt đầu quá trình phát triển, nhân lên, gây bệnh lý.
Đối với nhóm trẻ 5-15 tuổi, viêm phổi thường do vi rút RSV, H.influenza… Có khoảng 50% trường hợp viêm phổi do vi rút gây ra. Triệu chứng của bệnh trong những trường hợp này tương tự như cảm cúm thông thường.
Hiện nay nhiều phụ huynh thường nhầm lẫn viêm phổi do vi rút và bệnh cúm, dẫn đến chủ quan không đưa trẻ đi khám kịp thời, chỉ khi bệnh tăng nặng mới đưa trẻ đến cơ sở y tế để khám và việc điều trị kém hiệu quả, mất nhiều thời gian. Như trường hợp bệnh nhi Đ.N.M.K (xã Đông Xá, huyện Vân Đồn) phải nhập viện điều trị vì viêm phế quản, viêm phổi, hen phế quản. Bệnh nhi đã được điều trị tại Khoa Phục hồi chức năng - Vật lý trị liệu, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh.
Để nhận biết các biểu hiện sớm của bệnh viêm phổi, bác sĩ Đỗ Thị Băng Ngân (Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh), cho biết: Viêm phổi ở trẻ lớn thường khởi đầu bằng các biểu hiện thông thường như sốt, ho, nhiễm khuẩn đường hô hấp trên (viêm mũi, họng cấp). Nặng hơn có thể kèm theo khó thở, vã mồ hôi, rét run, mệt. Viêm phổi ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ thì có thể sốt hoặc không sốt, thậm chí còn bị hạ thân nhiệt và thường nhanh chóng bị suy hô hấp nặng. Các biểu hiện viêm phổi nặng là tình trạng sốt, mệt mỏi, nằm li bì và ngủ liên tục; khó thở, thở nhanh hơn mức bình thường, dùng cả bụng để co bóp, cố gắng lấy nhiều oxy hơn để thở; nôn trớ hoặc tiêu chảy; trẻ ho khan vào thời gian đầu, sau đó ho có đờm, đờm trắng rồi chuyển xanh hoặc vàng; môi và da xanh xao, nhợt nhạt do cơ thể không đủ oxy.
Ở trẻ em, hệ miễn dịch còn chưa phát triển hoàn thiện nên dễ mắc bệnh viêm phổi, đặc biệt một số trường hợp trẻ có nguy cơ cao mắc bệnh hơn những đứa trẻ khác.
Viêm phổi là bệnh truyền nhiễm cấp tính, rất dễ lây lan, đe dọa sức khỏe và tính mạng của trẻ. Viêm phổi có thể lây truyền từ người bệnh sang những người xung quanh qua đường giọt bắn, khi ho, hắt hơi hoặc khi nói chuyện.
Các chuyên gia khuyến cáo trẻ tiêm phòng đầy đủ các loại vắc-xin cần thiết, đặc biệt nên tiêm phòng cúm và phế cầu là phương pháp phòng bệnh viêm phổi hiệu quả, an toàn và tiết kiệm nhất. Đồng thời, các gia đình cần chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cho trẻ thường xuyên hằng ngày như giữ vệ sinh môi trường sống (vệ sinh nhà cửa, điều hòa...); không hút thuốc lá khi ở gần trẻ; tập cho trẻ thói quen rửa tay thường xuyên bằng xà phòng; tránh tiếp xúc với những người đang mắc các bệnh lý lây truyền qua đường hô hấp; đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho trẻ để nâng cao sức đề kháng phòng nhiễm bệnh.
Nguồn:https://baoquangninh.vn/chu-dong-phong-chong-viem-phoi-o-tre-em-3269584.html Copy link