SKĐS - Cách đất liền 32 hải lý, huyện đảo Cô Tô, Quảng Ninh là ngư trường lớn cho hệ thống tàu thuyền khai thác hải sản tập trung. Theo đó, y tế huyện đảo vừa mang trọng trách chăm sóc sức khỏe người dân trên đảo, vừa phải đảm nhiệm sơ cấp cứu, điều trị cho ngư dân gặp nạn.
Bằng sự nỗ lực không ngừng, từ năm 2023 Trung tâm Y tế (TTYT) huyện đảo Cô Tô đã đầu tư và triển khai kỹ thuật oxy cao áp trong điều trị, trở thành đơn vị y tế cơ sở tuyến huyện đầu tiên của tỉnh Quảng Ninh thực hiện kỹ thuật điều trị bệnh hiện đại này, góp phần giảm thiểu việc chuyển tuyến cho bệnh nhân vào đất liền điều trị.
Từng bước vượt khó vì người bệnh
So với các huyện đảo khác của tỉnh Quảng Ninh, TTYT huyện Cô Tô là đơn vị cấp huyện xa đất liền nhất và cũng là TTYT đa chức năng với các nhiệm vụ khám chữa bệnh, điều trị, phòng chống dịch bệnh, thực hiện các Chương trình mục tiêu Quốc gia về y tế về dự phòng và dân số KHHGÐ.
Gần 10 năm trước, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị còn hạn chế nên việc tiếp cận hỗ trợ y tế, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân huyện đảo còn gặp nhiều khó khăn.
Nằm xa đất liền, Cô Tô thường chịu ảnh hưởng trực tiếp của 5-7 cơn bão với sức gió từ cấp 8-11. Bão thường xuất hiện vào tháng 6 đến tháng 10 kèm theo gió mạnh và mưa lớn. Không chỉ thế, sương mù cũng thường xuất hiện vào cuối tháng 12 đến tháng 2 năm sau khiến việc chuyển tuyến cho người bệnh vào bệnh viện tuyến trên điều trị vô cùng gian nan; thậm chí không thể thực hiện được.
Thời điểm đó, với những ca bệnh như u nang buồng trứng, chửa ngoài tử cung, viêm ruột thừa… TTYT Cô Tô thường phải mổ mở, gây nhiều đau đớn, bệnh nhân dễ bị nhiễm trùng sau phẫu thuật, đặc biệt thời gian hồi phục kéo dài từ 7 đến 10 ngày. Năm 2017, nhờ sự chuyển giao kỹ thuật, TTYT Cô Tô đã triển khai mổ nội soi giúp người bệnh bớt đau đớn, nhanh hồi phục, hạn chế tối đa nguy cơ viêm nhiễm, dính nội tạng sau mổ. Sau thành công đó, TTYT Cô Tô thường xuyên cử cán bộ, y sĩ, bác sĩ đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn theo hình thức cầm tay chỉ việc. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, từ một TTYT hạn chế về giải phẫu đã có thể phẫu thuật nội soi, nội soi tiêu hóa, ổ bụng ngay tại huyện đảo.
Theo đó, tỉ lệ chuyển tuyến vào đất liền đã giảm; đặc biệt khi Trung tâm đầu tư nguồn lực, nâng cao năng lực, chất lượng, đầu tư kỹ thuật mới vào chẩn đoán, điều trị.
Tháng 11/2019, TTYT Cô Tô chính thức đưa vào sử dụng cơ sở mới với tổng diện tích sàn gần 5.000 m2, bao gồm một khu 3 tầng, 3 khu 2 tầng, 3 khu 1 tầng với 7 khoa, phòng chuyên môn. Ðồng thời, đầu tư các thiết bị y tế hiện đại như: Hệ thống chụp cắt lớp vi tính, hệ thống oxy cao áp, chụp X-quang kỹ thuật số, nội soi, máy siêu âm 4D phục vụ công tác khám và điều trị người bệnh.
Ðối với người đi biển, việc mắc bệnh lý liên quan tới biển là điều khó tránh khỏi. Có những ca thương tích nặng hay tai biến do quá trình lặn sai phương pháp cũng khiến người bệnh vất vả khi phải di chuyển vào đất liền chữa trị. Ðể xử lý những ca bệnh này và giảm thiểu việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí cho người bệnh, mới đây (3/2023), TTYT Cô Tô đã triển khai hệ thống điều trị bằng oxy cao áp buồng đơn hiện đại của hãng SECHRIST - Mỹ. Ðây là hệ thống buồng đơn hiện đại, có tác dụng hiệu quả trong điều trị các di chứng tai biến mạch máu não do nhồi máu não, bệnh rối loạn tiền đình, đau đầu, mất ngủ dài ngày và một số bệnh liên quan đến xương khớp...
Ưu điểm lớn của máy này là phương pháp sạch, hầu như không có tác dụng phụ, dễ dàng điều chỉnh áp suất thiết lập cho quá trình điều trị trên từng bệnh nhân, giúp bệnh nhân cảm giác thoải mái hơn trong quá trình điều trị.
Ðánh giá về tính hiệu quả sau gần 1 năm triển khai chạy oxy cao áp vào điều trị cho bệnh nhân, BSCKI. Nguyễn Thanh Giang - Giám đốc TTYT huyện Cô Tô cho hay: "Huyện đảo Cô Tô là ngư trường lớn, thường xuyên tập trung khá đông tàu khai thác hải sản, tàu lặn từ Nam Ðịnh, Thanh Hóa... nên nguy cơ xảy ra tai nạn trên biển khó tránh. Vừa qua, Viện Y học biển Việt Nam có về khảo sát, đánh giá thực trạng công tác cấp cứu trên biển cũng như điều trị tại đảo đã đánh giá cần đưa kỹ thuật oxy cao áp vào điệu trị. Vì thế, TTYT huyện Cô Tô cũng đã triển khai mô hình này, giảm thiểu gánh nặng tài chính và tiết kiệm thời gian cho người dân huyện đảo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện cho thấy, việc cung cấp oxy trực tiếp cho buồng cao áp không đủ áp lực mà phải dùng bình trực tiếp, bởi từ bộ phận tích trên máy xuống không đủ áp suất. Hiện, TTYT cũng đang rà soát để làm sao phải vận hành một cách trơn tru nhất".
Cũng theo BS. Giang, để chuẩn bị cho việc triển khai dịch vụ này, đơn vị đã cử một bác sĩ, điều dưỡng đi đào tạo tại Viện Y học biển Việt Nam 1 năm, còn điều dưỡng đào tạo 6 tháng.
Giảm thiểu việc chuyển tuyến vào đất liền điều trị
Tính từ tháng 3/2023 đến nay, đơn vị đã tiến hành điều trị cho khoảng 70 bệnh nhân bằng kỹ thuật này, chủ yếu là người dân trên đảo. Qua thời gian chạy oxy cao áp điều trị bệnh, 100% người bệnh đều có những chuyển biến tích cực trong hồi phục bệnh.
Bệnh nhân Trần Văn Biên (38 tuổi) trú tại xã Ðồng Tiến, huyện Cô Tô bày tỏ: "Tôi bị tai nạn do lặn biển cách đây hơn năm và được chẩn đoán tổn thương tủy sống. Thời điểm đó, huyện đảo Cô Tô chưa có kỹ thuật oxy cao áp nên tôi phải sang Hải Phòng điều trị tại Viện Y học biển Việt Nam. Sau khi biết TTYT huyện mình đã triển khai điều trị bằng phương pháp oxy cao áp, tôi đăng ký ngay. Chỉ sau thời gian ngắn tình trạng đau đầu, chóng mặt, tê bì chân tay đã được cải thiện rõ rệt. Ðiều tôi mừng nữa, việc điều trị ngay tại đảo giúp mình đỡ tốn kém tài chính, tiết kiệm thời gian vì không phải đi xa vất vả như trước".
Cùng chạy oxy cao áp để chữa bệnh tiền đình, anh Nguyễn Nghiêm Bừng, 41 tuổi (trú tại thị trấn Cô Tô) chia sẻ: "Tôi có tiền sử rối loạn tiền đình nên thường xuyên đau đầu, buồn nôn, chóng mặt, ăn uống kém. Ðến khám tại TTYT Cô Tô, tôi được bác sĩ tư vấn điều trị bằng oxy cao áp kết hợp với uống thuốc. Sau thời gian điều trị bằng phương pháp này, tôi thấy tình trạng sức khỏe đỡ rất nhiều".
Theo BS. Giang, trước khi vào điều trị bằng oxy cao áp, bệnh nhân sẽ được khám lâm sàng kiểm tra huyết áp, nhịp tim và một số yếu tố khác. Qua đó, xác định tình trạng bệnh rồi có thể chỉ định cho điều trị kết hợp cùng oxy cao áp. Phương pháp này cho hiệu quả cao, đặc biệt đối với một số bệnh như thiểu năng, tuần hoàn não, bệnh sản khoa, tự kỷ, biến chứng tiểu đường, các bệnh về gan... Ngoài ra, oxy cao áp còn giúp người khỏe mạnh tăng cường sức khỏe.
Một ca điều trị oxy cao áp bình thường, bệnh nhân trong buồng cao áp khoảng 1 tiếng. Trường hợp bệnh nhân nặng có chỉ định hồi sức cao áp, thời gian có thể kéo dài từ 1-2 tiếng trong buồng oxy. Bệnh nhân được thở oxy ngắt quãng theo phác đồ. Khi kết thúc điều trị, bệnh nhân bước vào giai đoạn giảm áp, áp suất trong buồng trở về bằng áp suất khí quyển thì cửa buồng được mở ra. Bệnh nhân được kiểm tra lại mạch, huyết áp, nhịp thở. Nếu không có diễn biến bất thường, bệnh nhân ngồi nghỉ 10-15 phút rồi ra về. Liệu trình tiếp theo sẽ do bác sĩ chỉ định.
Việc đưa vào sử dụng hệ thống oxy cao áp góp phần tăng hiệu quả điều trị bệnh, đa dạng các loại hình dịch vụ và đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ngày càng cao của người dân huyện đảo, tạo điều kiện thuận lợi để người dân huyện đảo được sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao. Tuy nhiên, đây là kỹ thuật mới hiện đại ở đảo nên nhiều người dân vẫn chưa biết và hiểu được tính hiệu quả của nó. Trong thời gian tới, để giúp người dân huyện đảo được hưởng thành quả của kỹ thuật này, chúng tôi sẽ tiến hành tuyên truyền phổ biến rộng rãi hơn", BS. Giang đánh giá.
Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/y-te-huyen-dao-vuot-kho-169240206141950045.htm Copy link