A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu

SKĐS - Những năm qua, Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số là nhiệm vụ quan trọng và ưu tiên hàng đầu. Tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử đã có những kết quả tích cực; hầu hết các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên, các bệnh viện ngoài công lập triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến...
Chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số y tế toàn diện trên mọi mặt
Hôm nay - 10/10 là Ngày Chuyển đổi số quốc gia, từ thực tiễn của ngành y tế cho thấy, thời gian qua, bên cạnh sự phối hợp của các bộ, ngành, các cơ quan, đơn vị, Bộ Y tế đã chủ động, nỗ lực thực hiện chuyển đổi số toàn diện trên các mặt, bao gồm phát triển các nền tảng số y tế, phát triển Chính phủ điện tử hướng đến Chính phủ số trong ngành y tế.
Thực hiện Nghị quyết số 157-NQ/BCSĐ ngày 03/2/2023 về chuyển đổi số y tế đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, Bộ Y tế đã triển khai Quyết định số 1710/QĐ-BYT ngày 05/04/2023 cùng nhiều văn bản liên quan, nhằm định hướng và điều phối các hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin trong toàn ngành.
Bộ Y tế đã triển khai các dịch vụ y tế như khám, chữa bệnh từ xa; quản lý bệnh không lây nhiễm; tiêm chủng, quản lý về thuốc quốc gia, phần mềm quản lý cho các trạm y tế xã, phần mềm quản lý về dược phẩm… giúp cho công tác quản trị điều hành của ngành y tế thay đổi, đồng thời giảm chi phí về chăm sóc sức khỏe cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 2.

Nhiều cơ sở y tế đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong hoạt động, góp phần tạo thuận lợi cho người bệnh, người nhà bệnh nhân.
Bộ Y tế hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu 10 năm của Nghị quyết số 36-NQ/TW, cụ thể về mục tiêu phát triển Chính phủ số trong y tế, 100% hồ sơ công việc tại Bộ Y tế được xử lý trên môi trường mạng (trừ hồ sơ công việc thuộc phạm vi bí mật nhà nước); Duy trì 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4.
Cùng đó, Bộ đã xây dựng, đưa vào sử dụng Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính Bộ Y tế, có cung cấp phiên bản chạy trên thiết bị di động; Duy trì Cổng công khai y tế, Cổng công khai giá các thiết bị y tế 100% các thông tin về giá thuốc, giá trang thiết bị y tế, giá vật tư y tế, giá sinh phẩm chẩn đoán, giá khám chữa bệnh, giá niêm yết, giá đấu thầu, thông tin về các sản phẩm đang lưu hành hoặc đã được thu hồi, kết quả xử lý thủ tục hành chính, những vi phạm trong quảng cáo… được công khai trên cổng.
Một số chế độ báo cáo, chỉ tiêu tổng hợp báo cáo định kỳ và báo cáo thống kê trong lĩnh vực y tế phục vụ sự chỉ đạo, điều hành của Bộ Y tế được kết nối, tích hợp, chia sẻ dữ liệu số trên hệ thống thông tin báo cáo Quốc gia; Phát triển xã hội số trong y tế - 100% các cơ sở y tế triển khai thanh toán không dùng tiền mặt;
Hầu hết các bệnh viện từ tuyến tỉnh trở lên và các bệnh viện ngoài công lập triển khai đăng ký khám chữa bệnh trực tuyến, từ xa; Chuyển đổi số trong phòng bệnh và chăm sóc sức khỏe nhân dân, tạo lập hồ sơ sức khỏe điện tử; 100% các xã triển khai phần mềm quản lý trạm y tế xã.
Về chuyển đổi số trong khám bệnh, chữa bệnh, đến nay đã kết nối liên thông giữa 63 Sở Y tế, 63 cơ quan BHXH, 100% cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trên toàn quốc với hệ thống giám định của BHXH Việt Nam; 100% cơ sở khám chữa bệnh đã triển khai hệ thống thông tin bệnh viện (HIS); 63/63 tỉnh thành đã triển khai kê đơn thuốc điện tử.
Về định danh công dân trong khám chữa bệnh, liên thông dữ liệu, Bộ Y tế cho biết, hiện nay tỷ lệ bao phủ BHYT của Việt Nam đạt 93,35%, mỗi năm có tới 170 triệu lượt khám bệnh ngoại trú tại các cơ sở khám, chữa bệnh, trong đó khám chữa bệnh BHYT chiếm hơn 60% và hơn 17 triệu lượt điều trị nội trú, trong đó người bệnh BHYT chiếm 80%.
Dữ liệu khám chữa bệnh BHYT phục vụ thanh quyết toán, và một số loại giấy tờ phục vụ dịch vụ công trực tuyến như giấy khám sức khỏe lái xe, giấy chứng sinh, giấy báo tử đã được liên thông thường quy qua hạ tầng công nghệ thông tin của BHXH Việt Nam.
Sổ Sức khỏe điện tử - mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người bệnh và hệ thống y tế

Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 3.

Sổ sức khỏe điện tử sẽ là một bức tranh tổng thể gồm thông tin hành chính, tiền sử như dị ứng, bệnh tật, tiêm chủng.
Để đạt được những nhiệm vụ Chính phủ giao, thời gian qua Bộ Y tế đã tích cực phối hợp với Bộ Công an, BHXH Việt Nam để tích hợp dữ liệu người dân có sổ khám, chữa bệnh điện tử với ứng dụng định danh điện tử nhằm đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, nâng cao tỷ lệ dân số có sổ khám, chữa bệnh điện tử thông qua việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử toàn dân VNeID dựa trên dữ liệu khám chữa bệnh BHYT mang lại nhiều lợi ích quan trọng cho cả người bệnh và hệ thống y tế.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Tri Thức cho biết, việc triển khai Sổ sức khỏe điện tử có ý nghĩa rất lớn với sức khỏe người dân và ngành y tế. Chính vì vậy trong hai năm qua, Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo Bộ Y tế cố gắng tối đa cũng như tích cực phối hợp với Bộ Công an, BHXH Việt Nam và UBND TP Hà Nội để triển khai.
Bộ Y tế đã ban hành các Quyết định 4026/QĐ-BYT thí điểm 48 trường thông tin trên địa bàn Hà Nội. Sau 6 tháng triển khai, TP Hà Nội đã thí điểm thành công. Có được kết quả này là sự nỗ lực rất lớn của các ban ngành UBND TP Hà Nội, sự chỉ đạo quyết liệt của Tổ công tác 06. Bên cạnh đó là sự vào cuộc quyết liệt của Cục C06 Bộ Công an, các quyết định chính xác của Bộ Y tế, sự phối hợp hỗ trợ tận tình của BHXH Việt Nam và các ban ngành khác.
"Sau khi thí điểm thành công, Bộ Y tế đã điều chỉnh và ban hành Quyết định số 1332/QĐ-BYT ngày 21/5/2024 về Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID.
Tổng số có 46 trường thông tin cơ bản, bao trùm các thông tin cần thiết để biết về tình hình sức khỏe, khám chữa bệnh của mỗi người"- Thứ trưởng Bộ Y tế thông tin.
Sổ sức khỏe điện tử gồm thông tin hành chính, tiền sử như dị ứng, bệnh tật trước đây và tiền sử về phòng bệnh như tiêm chủng. Người dân khi đi khám, chữa bệnh thì mỗi lượt sẽ được nhập các thông tin như khám chữa bệnh ở nơi nào, triệu chứng ra sao, mã chẩn đoán là gì... Trong đợt khám đó các kết quả xét nghiệm, chiếu chụp, nội soi, siêu âm… có giá trị cũng sẽ được nhập. Phương pháp điều trị như thế nào, dùng thuốc gì và tóm tắt kết quả điều trị cũng sẽ được nhập.
"Như vậy bức tranh tổng thể về sức khỏe của mỗi người và mỗi đợt điều trị sẽ được thu thập những thông tin cơ bản nhất. Đặc biệt còn tích hợp được giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn tái khám trên ứng dụng VNeID giúp người dân rất thuận lợi khi được chuyển lên tuyến trên"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức nói.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Bộ Y tế, nếu chỉ nhập và lưu trữ thông tin thì ý nghĩa đối với đời sống chúng ta sẽ còn giới hạn. Quan trọng là dữ liệu này được cập nhật, khai thác, sử dụng như thế nào thì mới đem lại hiệu quả.
"Để các địa phương triển khai tốt, Bộ Y tế đã gấp rút xây dựng và ban hành được một văn bản rất quan trọng là QĐ số 2733/QĐ-BYT ngày 17/9/2024 vừa mới đây hướng dẫn thí điểm thực hiện Sổ sức khỏe điện tử phục vụ tích hợp trên ứng dụng VNeID. Qua theo dõi thấy nhiều địa phương đã triển khai ngay hướng dẫn này. Bộ Y tế rất trân trọng các ý kiến phản hồi tích cực của các địa phương"- Thứ trưởng Nguyễn Tri Thức bày tỏ.
Phải xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực triển khai
Mới đây, đoàn công của Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm việc với Bộ Y tế khảo sát việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ-TW ngày 01/7/2014 của Bộ Chính trị và xây dựng Đề án Nghị quyết của Bộ Chính trị về chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số- xã hội số. Qua nghe các báo cáo và thảo luận tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho rằng thời gian qua, ngành y tế đã triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện chuyển đổi số y tế, thúc đẩy hoạt động của ngành ngày càng cải cách thủ tục hành chính hơn, mang lại nhiều thuận lợi cho quản lý nhà nước, cho người dân và doanh nghiệp.
Tuy nhiên, để đẩy mạnh thực hiện chuyển đổi số y tế, mới đây Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã có văn bản về việc đẩy mạnh chuyển đổi số và triển khai Đề án 06 tại các cơ quan, đơn vị ngành y tế gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; y tế các bộ, ngành; các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.
Theo đó, nhằm tiếp tục đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành y tế, Bộ Y tế đề nghị Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai thực hiện đầy đủ, kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về chuyển đổi số; tổ chức triển khai các văn bản chỉ đạo của Bộ Y tế về chuyển đổi số y tế.

Bộ Y tế luôn coi ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số là ưu tiên hàng đầu- Ảnh 4.

Các đơn vị trong ngành y tế phải xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực triển khai.
Bộ trưởng Bộ Y tế nhấn mạnh: Các đơn vị phải xác định chuyển đổi số là một nhiệm vụ trọng tâm, ưu tiên nguồn lực triển khai, huy động sự tham gia đầy đủ cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, trong đó cấp ủy đảng, lãnh đạo, trước hết là các đồng chí đứng đầu, giữ vai trò quyết định;
Ưu tiên kinh phí cho hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đối số; Đảm bảo số lượng, chất lượng nhân lực cho công tác chuyển đổi số; có chế độ ưu đãi cho nhân lực công nghệ thông tin, chuyển đổi số;
Bảo đảm an toàn thông tin mạng, an ninh mạng và quản lý dữ liệu y tế; chú trọng các việc như: Xây dựng hồ sơ đề xuất cấp độ an toàn thông tin đối với các hệ thống thông tin do đơn vị quản lý; trình thẩm định, phê duyệt; triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn thông tin theo quy định; Bảo đảm tỷ lệ kinh phí chi cho các sản phẩm, dịch vụ an toàn thông tin mạng đạt tối thiểu 10% trong tổng kinh phí triển khai kế hoạch ứng dụng công nghệ thông tin hàng năm, giai đoạn 5 năm và các dự án công nghệ thông tin theo Chỉ thị số 14/CT-TTg ngày 07/6/2019 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường đảm bảo an toàn, an ninh mạng nhằm cải thiện chỉ số xếp hạng của Việt Nam.
Bộ Y tế cũng đề nghị đẩy mạnh thanh toán dịch vụ y tế không dùng tiền mặt; khẩn trương triển khai hồ sơ bệnh án điện tử không sử dụng bệnh án giấy, triển khai y tế từ xa; triển khai đơn thuốc điện tử theo quy định; đẩy mạnh khám, chữa bệnh từ xa, triển khai sổ sức khỏe điện tử, hồ sơ sức khỏe điện tử, chú trọng các giải pháp hỗ trợ người dân, người bệnh trong việc khám, chữa bệnh như sử dụng thẻ căn cước công dân gắn chíp, nhận dạng sinh trắc học, đăng ký khám, chữa bệnh trực tuyến...

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/bo-y-te-luon-coi-ung-dung-cong-nghe-thong-tin-chuyen-doi-so-la-uu-tien-hang-dau-169241009233409584.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 8
Hôm nay : 3.981
Tháng 11 : 8.631