A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để mô hình 'Bác sĩ gia đình' thực sự phát huy hiệu quả

SKĐS - Đóng góp vào dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), nhiều ĐBQH đã bày tỏ, để mô hình "Bác sĩ gia đình" phát triển như nhiều nước phát triển cần khắc phục, tháo gỡ những vướng mắc để người dân được chăm sóc y tế ngay tại nhà.
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh vùng núi
Đóng góp ý kiến vào Dự án Luật Khám bệnh, chữa bệnh, ĐBQH Đoàn Thị Lê An (Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng) nhận thấy, Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến thẩm tra của Hội đồng Dân tộc, của Ủy ban Xã hội và tiếp thu ý kiến của đại biểu tại các phiên thảo luận tổ về việc ưu tiên chính sách đặc thù đối với đồng bào dân tộc thiểu số.
Để đảm bảo chính sách dân tộc trong dự thảo Luật được thể chế theo đúng quy đinh, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, làm rõ chính sách ưu tiên của Nhà nước đối với công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
Nữ đại biểu tỉnh Cao Bằng cũng đề nghị bổ sung trách nhiệm của Nhà nước trong việc bảo đảm kinh phí, cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, nguồn nhân lực y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế tuyến tỉnh, huyện, xã, đặc biệt là vùng miền núi có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận và thụ hưởng đầy đủ quyền được khám, chữa bệnh và hưởng các chính sách ưu tiên theo quy định.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để mô hình 'Bác sĩ gia đình' thực sự phát huy hiệu quả - Ảnh 2.

ĐBQH Đoàn Thị Lê An ( Đoàn ĐBQH tỉnh Cao Bằng).
Mặt khác, đại biểu Đoàn Thị Lê An cũng đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về việc sử dụng ngôn ngữ trong khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số và người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh là người dân tộc thiểu số. Vì trên thực tế hiện nay có nhiều lương y, nhiều cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cho người dân tộc thiểu số hành nghề tại khu vực miền núi, đồng bào dân tộc thiểu số đã tương đối nhiều. Do đó có cần phải quy định về trường hợp này.
ĐBQH Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam) đề nghị Ban soạn thảo rà soát toàn bộ dự thảo Luật để xem xét, giải thích từ ngữ để đảm bảo các thuật ngữ dùng trong Luật được hiểu một cách thống nhất, đầy đủ, tạo thuận lợi trong quá trình áp dụng pháp luật. Đại biểu nêu ví dụ, như thế nào là "cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu", "cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản", "cấp khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu", "sản phẩm dinh dưỡng"…

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để mô hình 'Bác sĩ gia đình' thực sự phát huy hiệu quả - Ảnh 3.

 (Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam.)
Liên quan đến việc quy định người đại diện của người bệnh tại Khoản 2, Điều 7 của Dự thảo, đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị xem xét lại nội dung này quy định sao cho phù hợp với thực tiễn, không gây khó khăn cho người bệnh và cơ sở y tế.
Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh đề nghị nên quy định người bệnh được tiếp cận toàn bộ dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh và bỏ cụm từ "cơ bản" tại Khoản 3 điều 8. Ngoài ra, đại biểu không đồng tình với quy định đóng phí duy trì giấy phép hành nghề tại Khoản 8, Điều 38 của dự thảo Luật, đề nghị Quốc hội cân nhắc bỏ quy định này.
Khắc phục hạn chế mô hình "Bác sĩ gia đình"
Đóng góp về dự án Luật, ĐBQH Lê Thu Hà (Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai) bày tỏ tán thành cao với Tờ trình của Chính phủ và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Xã hội về sự cần thiết ban hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi). Với định hướng lấy người bệnh làm trung tâm, đại biểu tin rằng dự thảo Luật được thông qua sẽ góp phần thay đổi hệ thống y tế cũng như tạo ra những giá trị bền vững cho ngành y tế.
Quan tâm đến nội dung mô hình bác sỹ gia đình, đại biểu Lê Thu Hà cho biết, đây là mô hình có nhiều ưu điểm, được phát triển rộng rãi ở nhiều nước tiên tiến, tuy nhiên chưa được quan tâm, chưa có nhiều quy định cụ thể để phát triển tại Việt Nam.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để mô hình 'Bác sĩ gia đình' thực sự phát huy hiệu quả - Ảnh 4.

( Đại biểu Lê Thu Hà – Đoàn ĐBQH tỉnh Lào Cai)
Theo đại biểu, việc phát triển mô hình này ở Việt Nam còn một số tồn tại, hạn chế như: Chưa có hướng dẫn cụ thể, rõ ràng về việc triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Nguồn nhân lực được đào tạo có chuyên môn về y học gia đình còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc cấp chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân còn nhiều bất cập…
Để tháo gỡ những bất cập nêu trên, tạo điều kiện mô hình bác sĩ gia đình phát triển đúng hướng, góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm tải bệnh viện tuyến trên, góp phần giảm tải gánh nặng kinh tế cho bệnh nhân nói riêng cũng như xã hội nói chung, đại biểu đề nghị luật hóa tạo cơ sở pháp lý để phát triển, nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình. Đại biểu đề nghị bổ sung đối tượng bác sĩ gia đình và các nguyên lý y học gia đình cho các nội dung sửa đổi này.
ĐBQH Nguyễn Thị Huế (Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn) cho rằng trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Y tế đã triển khai đề án bác sĩ gia đình với mục tiêu là xây dựng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trong hệ thống y tế Việt Nam. Phòng khám bác sĩ gia đình được coi là mô hình có thể giúp sàng lọc, giải quyết được phần lớn các bệnh lý thông thường, không cần chuyển tuyến, góp phần giảm tải tại các bệnh viện, giảm bớt gánh nặng thời gian và công việc cho các bác sĩ chuyên khoa liên quan, tiết kiệm được kinh phí nằm viện cho bệnh nhân và chi phí bảo hiểm y tế.

Kiến nghị tháo gỡ vướng mắc để mô hình 'Bác sĩ gia đình' thực sự phát huy hiệu quả - Ảnh 5.

( Đại biểu Nguyễn Thị Huế - Đoàn ĐBQH tỉnh Bắc Kạn)
Theo mô hình này, bác sĩ gia đình đảm đương ba vai trò chính là khám lâm sàng, y tế dự phòng và bác sĩ tâm lý cho bệnh nhân. Ngoài kiến thức chuyên môn, bác sĩ gia đình cũng phải có kiến thức tổng quát về xã hội, tâm lý, kinh tế, văn hóa, quản lý y tế để không những chỉ chăm sóc, điều trị bệnh mà còn có thể tư vấn, hướng dẫn bệnh nhân kiến thức tăng cường sức khỏe, phòng bệnh và hỗ trợ về tâm lý và xã hội.
Để hoàn thiện mô hình này, đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị ngành y tế cần có đánh giá, tổng kết cụ thể, xác định phạm vi, quy mô, chức năng, nhiệm vụ của phòng khám bác sĩ gia đình và các điều kiện bảo đảm hoạt động như giá dịch vụ phòng khám, cơ chế chuyển tuyến, cơ chế thanh toán bảo hiểm y tế.
Đồng thời cần có những hỗ trợ về chính sách để nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình trên toàn quốc nhằm tăng nhân sự y học gia đình trong khoa khám bện, ngoại trú. Cần quan tâm đến vấn đề hành lang pháp lý và được luật hóa, có thể đưa vào một điều luật cụ thể về nội dung này trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi).

Nguồn:Sức khỏe và đời sống Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 4.417
Tháng 05 : 8.317