Những năm qua, ngành Y tế tỉnh tăng cường cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe sinh sản (SKSS) tại các cơ sở y tế và triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS trên toàn tỉnh. Qua đó góp phần thực hiện nội dung chủ đề công tác năm 2023 của tỉnh “Nâng cao chất lượng đời sống nhân dân”.
Nhằm chăm sóc SKSS cho chị em phụ nữ tại tuyến cơ sở ngày càng tốt hơn, hằng năm Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh phối hợp với trung tâm y tế tuyến huyện tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực về phòng chống nhiễm khuẩn đường sinh sản và sàng lọc ung thư cổ tử cung cho cán bộ làm công tác chăm sóc SKSS ở tuyến huyện, xã.
Khoa Sức khỏe sinh sản (CDC tỉnh) thường xuyên phối hợp trung tâm y tế tuyến huyện triển khai các hoạt động truyền thông lồng ghép dịch vụ chăm sóc SKSS, KHHGĐ; tăng cường các hoạt động cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS tại các cơ sở y tế toàn tỉnh, chú trọng các hoạt động: Chăm sóc trước sinh, phòng, chống nhiễm khuẩn đường sinh sản, dự phòng bệnh có thể mắc phải ở các thai phụ..., nhằm nâng cao kiến thức cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ và giám sát hỗ trợ về chuyên môn kỹ thuật trong thực hiện các quy trình chuyên môn kỹ thuật, như chăm sóc bà mẹ trước, trong và sau sinh.
Một thực trạng hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công tác chăm sóc SKSS là việc quan hệ tình dục sớm, mang thai ngoài ý muốn, phá thai ở lứa tuổi vị thành niên. Trước thực trạng này, CDC tỉnh đã triển khai tập huấn cho các cán bộ y tế làm việc tại khoa chăm sóc SKSS - phụ sản và các trạm y tế trên địa bàn tỉnh về các phương pháp tư vấn, thăm khám SKSS cho vị thành niên, thanh niên và các nguyên tắc khi cung cấp dịch vụ SKSS thân thiện cho vị thành niên, thanh niên yếu thế.
Cùng với chăm SKSS nói chung, các dịch vụ hỗ trợ các sản phụ trong quá trình "vượt cạn" ngày càng được đánh giá rất cao. Với vai trò là đơn vị tuyến cuối của tỉnh trong lĩnh vực chăm sóc SKSS, bên cạnh khám phát hiện và điều trị hiệu quả các bệnh đường sinh sản, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh đang triển khai mô hình “Phòng sinh thân thiện”, đem đến cho các sản phụ và những người thân trong gia đình những trải nghiệm tốt nhất khi “vượt cạn”. Ngoài các thiết bị y tế thiết yếu, “Phòng sinh thân thiện” còn được thiết kế bao gồm nhà vệ sinh, bồn rửa tay, khu vực bàn ghế chờ dành cho người nhà sản phụ, hệ thống màn hình ti vi và âm thanh cung cấp hình ảnh và âm nhạc theo yêu cầu trước và trong lúc sinh để giải tỏa tâm lý căng thẳng cho sản phụ. Điểm nổi bật của mô hình này là cho phép người nhà sản phụ đồng hành suốt quá trình chuyển dạ và sinh con.
Tính từ năm 2019 đến nay có hơn 14.000 lượt sản phụ tham gia mô hình “Phòng sinh thân thiện”, tương đương với hơn 50% số sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh. Mô hình góp phần làm giảm tỷ lệ trầm cảm sau sinh, giảm các nguy cơ trầm cảm tự hại; tỷ lệ sinh thường hơn 88%; tỷ lệ cắt khâu tầng sinh môn chỉ còn 26,9% thay vì cắt khâu gần như hoàn toàn trước đây; tỷ lệ hài lòng của sản phụ gần như tuyệt đối. Mô hình “Phòng sinh thân thiện” áp dụng cho tất cả sản phụ đến sinh tại Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh mà không phát sinh thêm bất kỳ khoản phụ phí nào.