Song hành với bác sĩ trên con đường chăm sóc sức khỏe nhân dân, những người điều dưỡng góp một phần quan trọng vào sự thành công của mỗi ca bệnh, họ luôn sẵn sàng cho mọi chăm sóc y tế, cùng người bệnh vượt qua những cơn đau và sự mệt mỏi trong quá trình điều trị.
Công việc nhiều vất vả, áp lực
Khoa Hồi sức tích cực, chống độc – thận nhân tạo, Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Quảng Ninh trung bình mỗi ngày tiếp nhận, điều trị cho hàng trăm bệnh nhân. Đa số các bệnh nhân vào đây là những ca bệnh nặng, bệnh lý phức tạp, sức khỏe trong tình trạng “ngàn cân treo sợi tóc” , do vậy cường độ làm việc rất cao, đòi hỏi các điều dưỡng có tay nghề cao, có sức khỏe và chịu được áp lực công việc.
Trong 17 năm làm việc ở BVĐK tỉnh Quảng Ninh thì cũng từng ấy năm anh Đặng Văn Thành (Điều dưỡng trưởng khoa Hồi sức tích cực chống độc, thận nhân tạo) gắn bó với công việc tại khoa bệnh nặng này. Anh Thành tâm sự: “Trong bệnh viện, khoa hồi sức tích cực – chống độc là nơi áp lực nhất, bởi toàn bệnh nhân nặng. Làm việc ở khoa này, chúng tôi gần như 24/24 giờ theo dõi sát diễn tiến bệnh của bệnh nhân nhằm phát hiện sớm nhất những dấu hiệu chuyển nặng, kịp thời thông báo cho bác sĩ nhằm có phương án điều trị tốt nhất cho người bệnh. Ở khoa này người thân cũng không được vào chăm sóc bệnh nhân nên mọi việc từ uống thuốc, ăn uống, vệ sinh cá nhân, thay quần áo… cho bệnh nhân đều do điều dưỡng làm. Công việc căng thẳng và đòi hỏi tập trung nên chúng tôi thường xuyên ăn uống thất thường”.
(Điều dưỡng viên theo dõi sát diễn tiến bệnh của bệnh nhân nặng mắc COVID-19 tại Khoa hồi sức tích cực (BVĐK tỉnh)
Từ khi đại dịch COVID-19 xảy ra, vai trò của người điều dưỡng càng phát huy cao hơn bao giờ hết. Họ là một trong những bộ phận nòng cốt tại các chốt sàng lọc ban đầu, tham gia công tác chăm sóc điều trị tại khu cách ly, tận tụy giúp đỡ, hỗ trợ tinh thần để người bệnh sớm ra viện, chăm sóc người bệnh toàn diện tại các khoa hồi sức và khu cách ly… góp phần đảm bảo an toàn cho cho người bệnh khi đến khám và điều trị tại bệnh viện. Đây cũng là giai đoạn mà điều dưỡng Nguyễn Khắc Sang (Khoa Thăm dò chức năng – Nội soi can thiệp, Bệnh viện Phổi Quảng Ninh) được trải nghiệm và thấu hiểu rõ nhất những vất vả của nghề: Chúng tôi thường trực 24/24 giờ tại bệnh viện, mỗi người phải làm việc bằng hai, bằng ba, nhất là trong thời điểm nhân viên Bệnh viện Phổi được trưng dụng cho Bệnh viện số 2. Anh chị em chúng tôi cố gắng vừa chăm sóc, điều trị, vừa trấn an tâm lý các bệnh nhân F0 và người dân F1 cách ly. Hầu hết chúng tôi phải tạm xa gia đình, có những cặp vợ chồng là điều dưỡng bệnh viện nhưng vẫn không được gặp nhau, không được gặp con… Nhiều đồng nghiệp của chúng tôi mắc COVID-19 trong quá trình cấp cứu, chăm sóc, điều trị bệnh nhân. Nhưng cũng chính họ khi ấy đã tiếp tục xin vào khu điều trị bệnh nhân mắc COVID-19, vừa chiến đấu với bệnh của bản thân, vừa chăm sóc, cứu chữa cho bệnh nhân.
Những buồn vui trong nghề
Có lẽ nói nghề điều dưỡng là nghề “làm dâu trăm họ” cũng không sai, bởi tính chất công việc của họ là phải tiếp xúc, chăm sóc, phục vụ người bệnh từ lúc vào viện cho đến lúc ra viện.. Bệnh nhân mang trong mình những căn bệnh ngoài ý muốn, nên suy nghĩ, thái độ, cách cư xử cũng bị ảnh hưởng, không ai giống ai. Để gần gũi và thấu hiểu tâm lý của người bệnh, biết được những điều họ muốn là điều không dễ dàng. Thậm chí, không ít trường hợp anh chị em điều dưỡng phải đón nhận những bức xúc của cả người nhà bệnh nhân.
Đồng hành với bệnh nhân trong quá trình điều trị bệnh
Điều dưỡng Đặng Văn Thành (BVĐK tỉnh Quảng Ninh) chia sẻ với chúng tôi: Khi bị bệnh, tâm lý, cảm xúc của bệnh nhân và người thân luôn gấp gáp, hối thúc…, đòi hỏi người điều dưỡng phải nhanh nhẹn, linh hoạt trong ứng xử, giao tiếp. Có trường hợp bệnh nhân diễn biến nặng, tiên lượng xấu, khi chúng tôi đến giải thích, tư vấn thì bị người nhà bệnh nhân bức xúc, kích động, gây gổ… Những lúc như vậy phải bình tĩnh, tỉnh táo trong chăm sóc, xử lý các vấn đề ban đầu để tránh khúc mắc không đáng có.
Công việc tuy áp lực, vất vả, nhưng với những người điều dưỡng, niềm vui của họ là thấy sức khỏe người bệnh chuyển biến tốt hàng ngày, là sự thấu hiểu của người nhà cũng như người bệnh về những công việc mà họ đang làm. “Có những bệnh nhân khi vào đây tưởng chừng như không qua khỏi, nhưng được sự chăm sóc tận tình của điều dưỡng thì sức khỏe bệnh nhân dần dần ổn định và xuất viện. Với chúng tôi chỉ cần người bệnh, người nhà người bệnh hiểu được cực khổ của công việc chăm sóc bệnh nhân và hợp tác trong điều trị là chúng tôi vui và có động lực để tiếp tục công việc của mình”, điều dưỡng Thành nói.
Hơn 30 năm gắn bó với nghề điều dưỡng, trải qua nhiều vị trí công tác, cùng với những người đồng nghiệp đi qua biết bao nhiêu kỉ niệm, chị Mai Thị Thanh Thủy (Trưởng phòng Điều dưỡng, BVĐK tỉnh) tâm sự: Đối với tôi, nghề điều dưỡng thật đặc biệt. Chúng tôi là cầu nối giữa bác sĩ và bệnh nhân. Điều dưỡng không chỉ cần kỹ thuật, kinh nghiệm mà còn là sự kiên trì và khéo léo. Công việc vất vả, thời gian ở trên bệnh viện còn nhiều hơn ở với gia đình, có những lúc tôi cũng không tránh khỏi buồn lòng, mệt mỏi. Nhiều ca trực phải thức trắng đêm để theo dõi tình hình người bệnh, vất vả thế nhưng khi thấy người bệnh được hồi phục sức khỏe, thấy những nụ cười xen lẫn giọt nước mắt hạnh phúc của họ, và nhận được những lời cảm ơn chân thành thì mọi nỗ lực của chúng tôi đều thấy xứng đáng.
Góp phần vào thành công của mỗi ca bệnh
Người điều dưỡng đóng vai trò không thể thiếu trong công tác chăm sóc sức khỏe cho người bệnh. Nếu như trước đây, vai trò của y tá trong các bệnh viện là làm theo y lệnh của bác sĩ, thì hiện nay, điều dưỡng có 3 chức năng cơ bản: chức năng phụ thuộc, chức năng phối hợp và chức năng độc lập. Bên cạnh việc phối hợp với bác sĩ trong điều trị, điều dưỡng còn là người trực tiếp thực hiện các kỹ thuật chuyên môn: tiêm truyền, thay băng, phục hồi chức năng, giúp đỡ người bệnh và cộng đồng trong việc duy trì nâng cao sức khỏe, giảm đau đớn về thể chất và tinh thần, hướng dẫn người bệnh cách phòng ngừa bệnh tật và biết cách tự chăm sóc bản thân một cách cơ bản nhất, tư vấn giáo dục sức khỏe… Để trở thành một Điều dưỡng viên chuyên nghiệp phải trải qua một thời gian đào tạo nhất định tại cơ sở đào tạo các chuyên ngành, có kiến thức chuyên nghiệp, nền tảng khoa học cơ bản.
Điều dưỡng Nguyễn Khắc Sang (Khoa Thăm dò chức năng – Nội soi can thiệp, BV Phổi Quảng Ninh) thực hiện kỹ thuật kiểm tra chức năng phổi cho bệnh nhân
Trưởng phòng Điều dưỡng (BVĐK tỉnh) Mai Thị Thanh Thủy cho biết: Điều dưỡng không phải là người trực tiếp đưa ra chẩn đoán hay phác đồ điều trị, nhưng nếu một người điều dưỡng giỏi sẽ chủ động trong việc theo dõi, phát hiện các bất thường của người bệnh để thông báo và phối hợp cùng bác sĩ điều trị đưa ra hành động xử trí kịp thời, họ sẽ góp phần rất lớn vào thành công của điều trị.
Có lẽ còn rất nhiều điều để nói về nghề điều dưỡng, còn rất nhiều tâm tình, nỗi lòng cần được sẻ chia của những điều dưỡng viên mà chúng tôi chưa có dịp gặp gỡ, lắng nghe. Nhưng chúng tôi tin rằng, với lòng yêu người, yêu nghề, niềm tự hào khi khoác lên mình chiếc áo trắng ngành Y, những điều dưỡng viên sẽ tiếp tục vững tin trên con đường đã chọn, tiếp nối truyền thống ngọn đèn Nightingale – Ngọn đèn bất tử về ngành điều dưỡng, hết lòng chăm sóc sức khỏe và đem lại sự bình an cho mọi người, mọi nhà.