A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở

SKĐS - Y tế cơ sở được coi là xương sống trong chăm sóc sức khỏe nhân dân, nhưng hiện mạng lưới này còn nhiều bất cập, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa.
Đổi mới tổ chức bộ máy và cơ chế hoạt động
Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất. Đến thời điểm này, mạng lưới y tế cơ sở được duy trì rộng khắp cả nước với 99,6% các xã, phường, thị trấn có trạm y tế xã.
Nghị quyết 20 - NQ/TW ngày 25/10/2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới khẳng định: Đầu tư cho bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân là đầu tư cho phát triển. Nghị quyết nêu rõ, đổi mới mạnh mẽ cơ chế và phương thức hoạt động của y tế cấp xã để thực hiện vai trò là tuyến đầu trong phòng bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Đây cũng chính là yêu cầu đặt ra cho ngành Y tế, thúc đẩy y tế cơ sở nhanh chóng đổi mới để làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, theo hướng được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết.
Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 5/12/2016 đã xác định đổi mới tổ chức bộ máy, cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính, phát triển nguồn nhân lực để nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của mạng lưới y tế cơ sở; bảo đảm cung ứng đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh cho từng người dân trên địa bàn…
 

Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở - Ảnh 2.

  • Mạng lưới y tế cơ sở bao gồm y tế thôn, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã là tuyến y tế trực tiếp gần dân nhất.
Đề án đưa ra mục tiêu đến năm 2020: Ít nhất 90% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế, thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 70% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; phấn đấu 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe; hoàn thành việc đầu tư trạm y tế ở các xã có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Theo đánh giá của Bộ Y tế, sau 3 năm thực hiện Đề án xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tình hình mới, 5 mục tiêu cụ thể của Đề án đã được cải thiện rõ rệt so với năm năm 2016. Tỷ lệ trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tăng từ 90,0% năm 2016 lên 92,6% năm 2019, ước đạt 92,8% năm 2020. Tỷ lệ trạm y tế xã thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã tăng từ 30,0% năm 2016 lên 40,8% năm 2019 và ước đạt 48,8% năm 2020.
Tỷ lệ trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện tăng từ 22,7% năm 2016 lên 30,5% năm 2019, ước 42,1% năm 2020. Tỷ lệ xã đạt tiêu chí quốc gia về y tế xã tăng từ 76,2% năm 2016 lên 91,9% năm 2019, ước đạt 94,4% năm 2020. Tỷ lệ dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe từ 0,2% năm 2016 lên 23,9% năm 2019, ước đạt 45,6% năm 2020.
Ba mục tiêu không đạt được là đến năm 2020 có 90% số trạm y tế xã thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 95% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện và 90% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Theo Bộ Y tế, nguyên nhân không đạt các mục tiêu này là do bất cập về cơ chế, chính sách, thiếu thuốc so với danh mục, năng lực cung ứng dịch vụ hạn chế, người dân chưa tin tưởng vượt tuyến trên, các phần mềm còn phân mảnh, khó khăn trong kết nối, tích hợp dữ liệu.
Mặc dù chưa đạt chỉ tiêu đề ra nhưng tỷ lệ trung tâm y tế, trạm y tế thực hiện được trên 80% danh mục dịch vụ kỹ thuật; tỷ lệ trạm y tế quản lý bệnh không lây nhiễm; tỷ lệ dân số được quản lý sức khỏe đã được cải thiện rõ rệt so với năm 2016.
Chuyển giao kỹ thuật, tăng cường khám chữa bệnh từ xa
Bộ Y tế đã khảo sát, lựa chọn 26 xã, phường, thị trấn thuộc 8 tỉnh, thành phố triển khai và đã đầu tư toàn diện cả về cơ sở vật chất, trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin, đào tạo, chuyển giao kỹ thuật từ nguồn vốn ODA (Dự án HPET sử dụng vốn vay WB) và ngân sách địa phương.
Đặc biệt, y tế cơ sở đã góp phần quan trọng trong phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt trong phòng, chống dịch COVID-19 với phương châm "đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng", giám sát, điều tra dịch tễ người đi đến từ vùng dịch.
 

Phát huy vai trò của mạng lưới y tế cơ sở - Ảnh 3.

Thúc đẩy y tế cơ sở nhanh chóng đổi mới để làm tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe người dân, theo hướng được tư vấn, theo dõi sức khỏe liên tục, suốt đời và điều trị khi cần thiết.
Nhiều bệnh viện tuyến huyện đã trở thành bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Trung ương và tuyến cuối, được chuyển giao kỹ thuật, nâng cao chất lượng dịch vụ. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ Y tế, số lượng và chất lượng dịch vụ còn hạn chế, đặc biệt là các huyện vùng khó khăn, ở trạm y tế xã. Tỷ lệ lượt người sử dụng dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú có xu hướng giảm tại trạm y tế xã (17,7% năm 2016; 15,9% năm 2018).
Y tế cơ sở vẫn chưa thực hiện tốt việc quản lý sức khỏe cá nhân, tầm soát phát hiện bệnh sớm, quản lý bệnh nhất là các bệnh mạn tính. Các phần mềm còn phân mảnh, không thống nhất do không cùng nền tảng giải pháp kỹ thuật, phụ thuộc nhiều vào nhà cung cấp nên việc kết nối, chia sẻ thông tin, dữ liệu còn gặp nhiều khó khăn.
Mục tiêu của Đề án đến năm 2025, 100% số trạm y tế xã có đủ điều kiện khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế và thực hiện được đầy đủ các nội dung của chăm sóc sức khỏe ban đầu, thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến xã; 100% trung tâm y tế huyện thực hiện được tối thiểu 90% danh mục dịch vụ kỹ thuật của tuyến huyện; 100% xã đạt Tiêu chí quốc gia về y tế xã; 100% dân số được quản lý, theo dõi sức khỏe.
Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ Y tế đề ra 5 mục tiêu. Đó là hoàn thiện tổ chức mạng lưới y tế cơ sở theo hướng trung tâm y tế huyện đa chức năng, quản lý toàn tiện và điều phối nguồn lực của các trạm y tế xã, huy động sự tham gia của y tế tư nhân.
Nâng cao năng lực cung ứng và chất lượng dịch vụ của y tế cơ sở theo hướng toàn diện, liên tục, phối hợp và lồng ghép, đảm bảo số lượng và chất lượng nguồn nhân lực thông qua tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, luân phiên hai chiều, khám chữa bệnh từ xa.
Ngành Y tế đổi mới mạnh mẽ cơ chế tài chính cho y tế cơ sở, thực hiện phương thức thanh toán theo định suất, hoàn thiện gói dịch vụ y tế bản, cơ chế giá và đồng chi trả bảo hiểm y tế, khuyến khích sử dụng dịch vụ y tế cơ sở; tập trung đầu tư cho y tế cơ sở đồng bộ cơ sở vật chất, trang thiết bị, đáp ứng yêu cầu đổi mới về chuyên môn nghiệp vụ, đặc biệt vùng miền núi, biển đào, vùng khó khăn.
Bên cạnh đó, ngành chú trọng đào tạo theo vị trí việc làm, thu hút và duy trì nguồn nhân lực y tế cơ sở, tăng cường chuyển giao kỹ thuật (trực tiếp, từ xa), luân phiên theo hai chiều (từ dưới lên trên, trên xuống dưới). Định hình nhóm nhân lực y tế thực hiện đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu theo nguyên lý y học gia đình tại trạm y tế xã (không chỉ nhân viên cơ hữu mà cả luân phiên, từ xa).

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/phat-huy-vai-tro-cua-mang-luoi-y-te-co-so-169221208161158898.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 8
Hôm nay : 2.316
Tháng 03 : 63.540