A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm khi du lịch phục hồi mạnh mẽ

Thay mặt cử tri TX Đông Triều, tại kỳ họp thứ 14, HĐND tỉnh khóa XIV, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu Nguyễn Thị Vinh, Tổ đại biểu thị xã Đông Triều chất vấn: Là tỉnh du lịch dịch vụ, trong những năm qua tỉnh Quảng Ninh luôn chú trọng và thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp phát triển du lịch gắn với công tác an toàn vệ sinh thực phẩm để đảm bảo cho người dân và du khách, qua đó góp phần xây dựng hình ảnh du lịch Quảng Ninh thân thiện, hấp dẫn và an toàn. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác an toàn vệ sinh thực phẩm trên địa bàn tỉnh còn bộc lộ nhiều bất cập hạn chế. Theo báo cáo của UBND tỉnh, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, 13 người mắc, tăng 1 vụ so cùng kỳ.
Đề nghị đồng chí Giám đốc Sở Y tế cho biết thực trạng và giải pháp của ngành trong thời gian tới để tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm (ATTP) trong tình hình mới, nhất là khi du lịch Quảng Ninh đang phục hồi mạnh mẽ, thu hút được đông đảo khách tham quan.
Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Trọng Diện trả lời:
1. Tình hình quản lý ATTP trên địa bàn tỉnh:
Hiện nay theo thống kê, toàn tỉnh có 48.684 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, trong đó lĩnh vực thuộc ngành Y tế quản lý là 10.757 cơ sở (cấp tỉnh quản lý 1.860 cơ sở; cấp huyện: 3.821 cơ sở, xã quản lý 5.076 cơ sở).
Trong nhiều năm nay, công tác quản lý về ATTP đã dần đi vào nền nếp, trên địa bàn tỉnh không xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể lớn trên 30 người mắc, không có tử vong do ngộ độc thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm được quản lý. 6 tháng đầu năm 2023, ngành Y tế đã thực hiện kiểm tra, giám sát các cơ sở dịch vụ ăn uống, bảo đảm ATTP tuyệt đối cho các đại biểu trong nước và quốc tế tham dự 30 sự kiện lớn trên địa bàn tỉnh; đảm bảo ATTP cho trên 8,5 triệu lượt khách du lịch đến với Quảng Ninh, tăng 61% so với cùng kỳ năm 2022. 
Tuy nhiên, 6 tháng đầu năm 2023, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 3 vụ ngộ độc thực phẩm, 13 người mắc (tỷ lệ 0,96/100.000 dân), đều được các đơn vị y tế phân loại cấp cứu, điều trị kịp thời, nhanh chóng bình phục sức khỏe cho người bệnh, không để tử vong do ngộ độc thực phẩm. Sở Y tế đã chỉ đạo Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm luôn kịp thời chủ động phối hợp với các đơn vị Y tế triển khai ngay các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm, không để có tình trạng ngộ độc tái diễn làm cho người dân và du khách hoang mang; thực hiện khai báo, điều tra đúng quy định của Bộ Y tế (số vụ và số người mắc ở mức dưới 10 vụ/năm và dưới 6.0/100.000 dân).
Hiện nay công tác quản lý ATTP đối với lĩnh vực này vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, hạn chế, khó khăn, bất cập và vẫn còn có một số vụ ngộ độc thực phẩm, rối loạn tiêu hóa xảy ra tại các cơ sở dịch vụ ăn uống.
Cụ thểsau 12 năm thực hiện Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17/6/2010 và 5 năm thực hiện Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 của Chính phủ (sau đây gọi tắt là Nghị định số 15) quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật ATTP, gặp nhiều bất cập trong quá trình thực hiện như mở rộng diện các doanh nghiệp không cần phải cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP, cũng như mở rộng đối tượng các cơ sở được miễn cấp giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện ATTP. Quy định này dẫn đến các vấn đề khó khăn cho công tác quản lý nhóm cơ sở này.
Hiện ngành Y tế quản lý 10.757 cơ sở (cấp tỉnh quản lý 1.860 cơ sở; cấp huyện: 3.821 cơ sở, cấp xã quản lý 5.076 cơ sở ), vấn đề nhân lực còn mỏng nên việc triển khai thực hiện còn thiếu sự sâu sát, đồng bộ, hiệu quả chưa cao.
Cơ sở không thuộc diện cấp giấy chứng nhận Cơ sở đủ điều kiện ATVSTP, không được cơ quan có thẩm quyền thẩm định đánh giá điều kiện về ATTP trước khi hoạt động và cơ sở không chủ động thông báo đến cơ quan chức năng về hoạt động sản xuất kinh doanh thực phẩm và kinh doanh dịch vụ ăn uống sẽ rất khó khăn cho việc nắm bắt và quản lý cơ sở của các cơ quan chức năng quản lý ATTP.
Trên địa bàn tỉnh có 2.251 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố, không có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh nên rất khó để lập danh sách, đề xuất kiểm tra, thanh tra hàng năm theo quy định của Chính phủ, Thanh tra tỉnh mà thay vào đó là công tác giám sát và đề xuất kiểm tra, thanh tra khi có dấu hiệu vi phạm thì đến lúc đó cơ sở đã hoạt động được một thời gian dài và đối với cơ sở sản xuất nhỏ lẻ thì vòng đời của sản phẩm có thể đã kết thúc, sản phẩm đã được tiêu thụ hết trên thị trường.
Còn có những đối tượng vì lợi nhuận đã sản xuất, kinh doanh thực phẩm không rõ nguồn gốc, không bảo đảm ATTP; còn có hiện tượng tiếp tay cho các vi phạm như tiêu thụ hàng buôn lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hóa chất, phụ gia thực phẩm không thuộc danh mục cho phép sử dụng; đạo đức kinh doanh chưa được coi trọng.
Một phần khá lớn người tiêu dùng còn rất chủ quan với sức khỏe, vì thế còn tâm lý dễ dãi trong sử dụng sản phẩm thực phẩm và sử dụng dịch vụ ăn uống. Chưa quan tâm phát hiện và kịp thời thông tin các cơ sở vi phạm về ATTP cho các cơ quan chức năng để xử lý nghiêm theo pháp luật.
Trong xu thế xã hội, hoạt động thương mại điện tử ngày càng phát triển nhanh hình thức kinh doanh thực phẩm online bùng nổ, nhưng quy định quản lý, xử lý truy xuất đơn vị kinh doanh còn thiếu, dẫn đến tình trạng không kiểm soát được các cơ sở kinh doanh này và chất lượng sản phẩm trên thị trường.
 

Đoàn kiểm tra liên ngành về ATTP tỉnh kiểm tra công tác chấp hành các quy định của pháp luật về VSATTP tại nhà hàng Long Tứ (TP Móng Cái). Ảnh: Trung tâm TT-VH Móng Cái
2. Giải pháp:
Để đảm bảo ATTP tại các cơ sở dịch vụ ăn uống (bếp ăn tập thể, nhà hàng, cửa hàng ăn uống...), phải có các giải pháp đồng bộ, đảm bảo ATTP ngay từ các khâu nuôi trồng, sơ chế, đánh bắt, thu hái và SXKD thực phẩm, nguyên liệu thực phẩm. Do đó đòi hỏi phải có sự tham gia quyết liệt, chung tay của các cấp, các ngành và cộng đồng tiêu dùng. Để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ từ tỉnh đến cơ sở về ATTP nhằm đạt được mục tiêu yêu cầu đề ra, Sở Y tế đưa ra một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau:
Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, có hiệu quả Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới; Kế hoạch số 143/KH-UBND ngày 30/5/2023 của UBND tỉnh Quảng Ninh về thực hiện Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 của Ban Bí thư và Kế hoạch số 280-KH/TU ngày 27/3/2023 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Quảng Ninh. Tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền đối với công tác an ninh, an toàn thực phẩm; phải coi việc đảm bảo an ninh, ATTP là nhiệm vụ thường xuyên của cả hệ thống chính trị; Nâng cao trách nhiệm quản lý nhà nước về ATTP, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, đảng, chính quyền địa phương. Người đứng đầu các cơ quan, đơn vị phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra vi phạm pháp luật về ATTP. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân lơ là, thiếu trách nhiệm trong quản lý ATTP.
Sở Y tế tiếp tục chủ động chỉ đạo thực hiện các biện pháp phòng chống ngộ độc thực phẩm đối với các cơ sở dịch vụ ăn uống, bếp ăn tập thể khu công nghiệp, trường học, nhà hàng, khách sạn khu du lịch, lễ hội, hội nghị, thức ăn đường phố. Xây dựng, phát triển các mô hình điểm kiểm soát ATTP tại các bếp ăn tập thể, nhà hàng, sau đó nhân rộng. Trước mắt, tiếp tục phối hợp các ngành thành viên Ban Chỉ đạo liên ngành về ATTP quản lý các bếp ăn tập thể trong trường học, KCN, nhà máy, xí nghiệp, các cơ sở cung cấp suất ăn tại khu du lịch tập trung đông người, bếp ăn trên tàu du lịch... để kiểm soát phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và bệnh truyền qua thực phẩm.
Đẩy mạnh công tác thông tin giáo dục truyền thông, đặc biệt là truyền thông thay đổi hành vi. Thông tin kịp thời, chính xác, trung thực các vấn đề liên quan đến ATTP. Đưa nhiệm vụ đảm bảo ATTP vào nội dung sinh hoạt thường kỳ của chi bộ, đảng bộ cơ sở trong toàn ngành Y tế. Phối hợp với Trung tâm Truyền thông tỉnh tăng thời lượng và tần suất phát sóng, đưa tin trên Báo Quảng Ninh, Cổng thông tin điện tử tỉnh, hệ thống truyền thanh cấp xã về đảm bảo ATTP, về các nguy cơ gây mất ATTP và sử dụng nhiều biện pháp tuyên truyền để chuyển tải những thông điệp, nội dung cảnh báo của việc mất ATTP đến cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân; nâng cao tính tự giác trong đảm bảo ATTP.
Tăng cường công tác đào tạo nghiệp vụ quản lý về VSATTP cho cán bộ làm công tác quản lý từ cấp tỉnh đến cấp xã, trong đó ưu tiên đào tạo nghiệp vụ thanh tra, kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và điều tra ngộ độc thực phẩm...
Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát về ATTP, đặc biệt ở cấp huyện, xã và xử lý nghiêm các vi phạm, kiên quyết không để các cơ sở không đủ điều kiện theo quy định hoạt động; Tiến hành thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ theo lĩnh vực được phân công, phân cấp; xử lý nghiêm những cơ quan, công chức thiếu trách nhiệm, buông lỏng quản lý ATTP.
Tiếp tục duy trì và củng cố hoạt động đường dây nóng của Chi cục ATTP quản lý 0918.815.815 để tiếp nhận phản ánh của nhân dân về các hành vi vi phạm; khuyến khích và khen thưởng kịp thời các tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin chính xác và có giá trị phục vụ công tác quản lý ATTP.

Nguồn:https://baoquangninh.vn/tang-cuong-bao-dam-an-ninh-an-toan-thuc-pham-khi-du-lich-phuc-hoi-manh-me-3250774.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 17
Hôm nay : 694
Tháng 07 : 61.497