A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Giáo sư Tôn Thất Tùng được Google vinh danh. Bạn có biết thành tựu để đời của ông là gì không?

GS. Tôn Thất Tùng sinh ngày 10/5/1912 tại tỉnh Thanh Hoá, là con trai Tổng đốc tỉnh này. Cha mất từ khi cậu bé Tùng mới ba tháng tuổi; mẹ đưa cậu trở về Huế, sống trong một ngôi nhà có vườn rộng bên bờ sông Hương, gần cầu Bạch Hổ. Năm 9 tuổi, Tôn Thất Tùng ra Hà Nội, sống trong nhà bác sĩ Hồ Đắc Di (lúc bấy giờ là nhà phẫu thuật người bản địa duy nhất trong toàn cõi Đông Dương) để theo học Trường Bưởi, rồi Trường đại học Y.

Thông minh xuất chúng, mới 27 - 28 tuổi, Tôn Thất Tùng đã có công trình được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp và huy chương bạc của Đại học Y Paris. Ông trở thành chủ nhiệm Khoa Ngoại Trường Y Hà Nội khi mới 28 tuổi. Trước Cách mạng Tháng Tám, ông đã công bố 62 công trình trên các tạp chí y học Pháp ở Paris và ở Viễn Đông.
Trong kháng chiến chống Pháp, ông cùng GS. Hồ Đắc Di, GS. Hoàng Tích Trí, GS. Đặng Văn Ngữ và một số thầy thuốc khác xây dựng Trường đại học Y tại làng Ải, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang. Là Thứ trưởng Bộ Y tế, Cố vấn phẫu thuật của Bộ Tổng Tư lệnh Quân đội Nhân dân Việt Nam, ông có mặt tại chiến trường và trực tiếp tham gia mổ xẻ cho hàng trăm thương binh nặng ở Điện Biên Phủ.
 

 
Sau ngày Hà Nội giải phóng (10/10/1954), ông xin từ chức Thứ trưởng Bộ Y tế để chuyên tâm làm Giám đốc Bệnh viện Phủ Doãn (về sau đổi tên là Bệnh viện Việt - Đức) và tập trung nghiên cứu một phương pháp mới trong phẫu thuật gan.
Phương pháp này cho phép cắt gan chỉ mất 4-8 phút trong khi nếu theo phương pháp vẫn được coi là kinh điển mang tên vị giáo sư người Pháp Lortat-Jacob, thì phải mất 3-6 giờ! Sáng chế của Tôn Thất Tùng không phải là do sự “khéo tay”, thay đổi kỹ xảo vụn vặt, như có người lầm tưởng, mà chính là bắt nguồn từ những nghiên cứu cơ bản do anh sinh viên nội trú thuộc dòng dõi hoàng gia này thực hiện trong những năm 1935-1939.
Lần đầu tiên trong y văn thế giới, Tôn Thất Tùng đã mô tả các mạch máu và ống mật trong gan sau khi phẫu tích hơn ... 200 lá gan người chết! Chính vì vậy, bản luận văn tốt nghiệp bác sĩ y khoa của ông mới được tặng huy chương bạc của Liên hiệp Pháp vào năm 1939 và huy chương bạc của Đại học Y Paris năm 1940 (lúc bấy giờ Trường đại học Y Hà Nội là một phân hiệu của Đại học Y Paris).
Nhờ nhận biết chi li, tường tận các tĩnh mạch trong gan, Tôn Thất Tùng và Mayer - May (một giáo sư người Pháp gốc Do Thái lúc đó làm việc tại Hà Nội) lần đầu tiên trên thế giới đã cắt gan một cách “có quy phạm”, nghĩa là tìm và kẹp chặt các mạch máu trong gan trước khi cắt thuỳ gan bị ung thư.
Trước Tôn Thất Tùng, các nhà phẫu thuật Đức, Anh, Nga... cũng đã cắt gan tổng cộng 87 trường hợp, nhưng tất cả đều là cắt gan không theo một quy phạm nào cả! Sở dĩ người ta phải làm liều như thế là do: Trước Tôn Thất Tùng, chưa hề có ai mô tả chính xác các mạch máu trong gan, cho nên các nhà phẫu thuật đành phải nhắm mắt làm liều, cắt gan một cách vu vơ, gặp mạch máu nào thì buộc nó lại, nếu chẳng may bỏ sót – điều này rất dễ xảy ra - thì sau khi “đóng bụng”, người bệnh sẽ chết do chảy máu hoặc do hoại tử gan.
Ít lâu sau, bản báo cáo về trường hợp cắt gan có quy phạm đầu tiên, do Tôn Thất Tùng và Mayer-May thực hiện, được trình bày tại Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris, nhưng, tiếc thay, bị GS Funck-Brentano công kích, do “ý tưởng này vào lúc đó còn quá mới”, như lời nhận xét về sau của Jean-Michel Krivine.
Thất vọng trước sự “đón tiếp” của “vị thánh” của ngành phẫu thuật thời ấy, Tôn Thất Tùng đâm ra e ngại, hơn nữa, sau đó, vào những năm chống Pháp gian nan, thiếu phương tiện, ông không đụng dao mổ đến buồng gan trong hơn 20 năm ròng rã!

Nhiều kinh nghiệm cắt gan nhất thế giới
Trở về Hà Nội giải phóng, GS Tùng mới nhận được thông tin: Vào năm 1952, GS Lortat-Jacob ở Pháp đã thành công trong việc cắt gan “có quy phạm” bằng cách: Trước khi cắt gan, tìm và buộc tất cả các mạch máu ở ngoài gan. Nhà phẫu thuật Việt Nam bỗng cảm thấy mình lại hăm hở như xưa, lại muốn lao vào làm tiếp cái công việc bỏ dở từ năm 27 tuổi.
Ngày 7/1/1961, tại Bệnh viện Việt - Đức, ông cắt thuỳ gan phải của một người bị bệnh ung thư tên là Hải. Ca mổ kéo dài từ 9 giờ 30 phút đến 9 giờ 36 phút, nghĩa là chỉ trong có... 6 phút! Phương pháp Tôn Thất Tùng khác với phương pháp Lortat-Jacob ở chỗ: Tôn Thất Tùng tìm ở ngay trong gan (qua tổ chức gan bị bóp vỡ) các mạch máu và ống mật, còn vị giáo sư Pháp thì tìm ở ngoài gan (tại đoạn mà người ta gọi là cuống gan).
Sau đó, trong vòng một năm, Tôn Thất Tùng cắt gan 50 trường hợp, vượt kỷ lục của Lortat-Jacob... 10 lần! Nhà phẫu thuật Việt Nam trở thành người có nhiều kinh nghiệm cắt gan nhất thế giới.
Ngay trong những ngày Việt Nam chống Mỹ, báo The Lancet (Dao bầu) ở London, một tờ báo hằng tuần phát hành mỗi kỳ hơn 1 triệu bản, đã đăng bài báo khoa học của Tôn Thất Tùng nhan đề: Một phương pháp cắt gan mới. Bài báo lập tức gây tiếng vang rộng khắp. Chỉ một tháng sau, hơn 100 nhà phẫu thuật từ Mỹ đến Australia gửi thư đến Hà Nội xin GS Tùng cung cấp thêm tài liệu. Một số nhà bác học viết bài dè dặt hoan nghênh. Một số khác kịch liệt phản đối! Cái mới đích thực bao giờ xuất hiện mà chẳng gặp khó khăn?
Nếu năm 1939, Tôn Thất Tùng có phần nản lòng trước lời nhận xét bất công của Funck-Brentano, thì năm 1963, ông tự tin hơn, “một mình một ngựa” lao vào cuộc luận chiến tưởng chừng không cân sức với những tên tuổi lớn trong giới phẫu thuật quốc tế. Để làm được điều đó, ngoài việc tinh tường chuyên môn, còn phải hết sức thông thạo ngoại ngữ.
Cuối cùng, nhà phẫu thuật Việt Nam đã thắng!

 

GS Tôn Thất Tùng là bác sĩ của Chủ tịch Hồ Chí Minh
 
Những người công kích ông dữ dội nhất, một khi đã thấu hiểu phương pháp mới lạ và độc đáo của ông, liền “phục thiện” trước chân lý, quay lại ca ngợi ông hết lời, coi ông là “người cha”, là vị “tổ sư” của phương pháp cắt gan có quy phạm, về sau được gọi là “phương pháp Tôn Thất Tùng” (Ton That Tung Method). Đúng như GS Hồ Đắc Di, “người thầy đầu tiên” của GS Tôn Thất Tùng, đã nói: “Khoa học là sự nổi dậy của tư duy!” Mệnh đề này có nghĩa: Một khám phá khoa học mới mẻ thường lật nhào những định kiến sai lầm thâm căn cố đế đã từng ngự trị hàng thể kỷ!
Cuốn Phẫu thuật cắt gan của Tôn Thất Tùng được Nhà xuất bản Masson in ở Pháp, sau đó, được Nhà xuất bản Meditsina dịch, in ở Nga. Phương pháp Tôn Thất Tùng được đưa vào Bách khoa thư Nội thương – Phẫu thuật của Pháp, và được in trong Chon lọc các Tài liệu Sản khoa và Phẫu thuật của Mỹ.
Năm 1977, Viện Hàn lâm Phẫu thuật Paris tặng GS Tôn Thất Tùng Huy chương Lannelongue. Đây là loại huy chương được đặt ra từ năm 1911 và cứ 5 năm mới tặng môt lần cho một người mà thôi. Người ấy, tất nhiên, phải là nhà phẫu thuật xuất sắc nhất thế giới trong thời gian đó.
GS Tôn Thất Tùng qua đời sáng 7/5/1982 tại Hà Nội, thọ 70 tuổi. Một sự ngẫu nhiên kỳ lạ: Người chiến sĩ Điện Biên Phủ năm xưa ra đi đúng vào Ngày kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ lẫy lừng. Tối hôm trước, trong bữa cơm gia đình thân mật tại nhà riêng ở phố Lê Thánh Tông, Hà Nội, ông còn chuyện trò sôi nổi với những người thân như Hồ Đắc Di, Võ Nguyên Giáp, Trần Đại Nghĩa...
Trong 70 năm ngắn ngủi của một đời người (1912-1982), GS Tôn Thất Tùng đã có một phát minh được coi là kinh điển, và để lại trong y văn thế giới 123 công trình.
GS Tôn Thất Tùng đã được Nhà nước ta truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I. Tại Hà Nội, Huế, Đà Nẵng, TP.HCM và thị xã Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp) đều có những đường phố mang tên Phố Tôn Thất Tùng.
 
 
 
 

Nguồn:https://baoquangninh.com.vn/giao-su-ton-that-tung-duoc-google-vinh-danh-ban-co-biet-thanh-tuu-de-doi-cua-ong-la-gi-khong-3186395.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 9
Hôm nay : 3.564
Tháng 09 : 33.735