A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ y tế cả nước

SKĐS - Chiều 30/1, đồng chí Trần Thanh Mẫn, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đã đến thăm, làm việc với Bộ Y tế nhân dịp đầu Xuân mới Quý Mão 2023.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thăm, làm việc với Bộ Y tế.

 

Cùng tham dự có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, đại diện Thường trực Hội đồng Dân tộc, Ủy ban Xã hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội…; Lãnh đạo Văn phòng Quốc hội; Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ…

Về phía Bộ Y tế, tiếp và làm việc với đoàn, có Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan, các đồng chí Thứ trưởng: Đỗ Xuân Tuyên, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Thị Liên Hương và đại diện Lãnh đạo các Cục/ Vụ/ Văn phòng Bộ.

Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát

Báo cáo của Bộ Y tế do Bộ trưởng Đào Hồng Lan trình bày cho biết, trong dịp Tết Nguyên Đán Quý Mão 2023, toàn ngành Y tế, các địa phương và cơ quan chức năng đã chủ động triển khai nghiêm túc, quyết liệt và đồng bộ các biện pháp nhằm bảo đảm công tác y tế dịp Tết, phòng, chống dịch bệnh, khám, chữa bệnh cho nhân dân.

Dịch COVID-19 và các dịch bệnh khác tiếp tục được kiểm soát, không ghi nhận ổ dịch lớn trong cộng đồng, không ghi nhận trường hợp mắc bệnh truyền nhiễm nguy hiểm.

Tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh; trong 6 ngày Tết, các bệnh viện đã thực hiện khám, cấp cứu cho trên 312.000 người bệnh; thực hiện gần 16.500 ca phẫu thuật các loại; đỡ đẻ, mổ đẻ thành công đón 18.020 trẻ chào đời...

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại buổi làm việc.

 

Bảo đảm an toàn thực phẩm, không ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra trong dịp Tết. Các cơ sở y tế đã chuẩn bị và cung ứng đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh phục vụ cho nhân dân; chưa ghi nhận thông tin phản ánh về thiếu thuốc, tăng giá thuốc.

Duy trì các hoạt động thường xuyên phục vụ chăm sóc, điều trị, cấp cứu bệnh nhân, tiêm chủng trong những ngày nghỉ Tết. "Chính vì thế trong 6 ngày nghỉ Tết, cả nước vẫn có hơn 30.000 liều vaccine COVID-19 đã được tiêm chủng cho người dân đảm bảo an toàn, hiệu quả" – Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết.

Năm 2022, ngành y tế đã hoàn thành vượt 3/3 chỉ tiêu được Quốc hội giao

Báo cáo với Phó Chủ tịch Quốc hội và đoàn công tác, Bộ trưởng Đào Hồng Lan cho biết trong năm 2022, ngành Y tế đã nỗ lực vượt qua các khó khăn, đạt được các chỉ tiêu Quốc hội, Chính phủ giao. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 81,7% năm 2016 lên 92,03% năm 2022 (vượt chỉ tiêu Quốc hội giao là 80% năm 2020 sớm hơn 4 năm).

"Ngành Y tế đã hoàn thành vượt 3/3 chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội giao (ước đạt 11,5 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT); cơ bản hoàn thành (13/16) các chỉ tiêu cụ thể ngành, lĩnh vực năm 2022 được Chính phủ giao" - Bộ trưởng Đào Hồng Lan nói.

Việt Nam được cộng đồng quốc tế đánh giá là điểm sáng trong việc thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ lĩnh vực y tế. Tầm vóc người dân được cải thiện rõ rệt. Tuổi thọ trung bình cao hơn trung bình thế giới và nhiều nước có mức thu nhập bình quân đầu người tương đương. Việt Nam cũng đã sản xuất vaccine trong nước bảo đảm 11/12 loại vaccine tiêm chủng; làm chủ các công nghệ và kỹ thuật quan trọng trong sàng lọc, phát hiện tác nhân gây bệnh dịch nguy hiểm (Sởi, Sốt xuất huyết, SARS, Cúm A,…).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà phát biểu tại buổi làm việc.

 

Về tiêm vaccine phòng COVID-19, Việt Nam là quốc gia có số liều vaccine phòng COVID-19 sử dụng và tỷ lệ bao phủ vaccine cao trên thế giới; hiệu suất sử dụng vaccine cao và tốc độ tiêm nhanh; tỷ lệ tiêm mũi 3 cho người từ 18 tuổi trở lên trên tổng dân số cao gấp đôi tỷ lệ trung bình trên thế giới; tỷ lệ tiêm mũi 1, mũi 2 cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi cao hơn một số quốc gia phát triển.

Việt Nam đã làm chủ công nghệ ghép tạng và ghép được 6/6 tạng chủ yếu. Một số kỹ thuật cao đã được quốc tế công nhận và trao đổi kinh nghiệm.

Nêu rõ năm 2022 là một năm có nhiều khó khăn, thách thức, biến cố đối với ngành Y tế; đặc biệt là sau khoảng 3 năm chống dịch COVID-19 phát sinh thêm nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực hiện công tác y tế, tuy nhiên, theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan lực lượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn ngành đã hết sức cố gắng, nỗ lực vượt khó để tiếp nối các kết quả đã đạt được trong giai đoạn trước.

Công tác xây dựng thể chế tiếp tục được chú trọng và từng bước hoàn thiện, trong đó có nhiều chính sách, định hướng quan trọng trong phát triển ngành Y tế. Đặc biệt, Bộ Y tế đã xây dựng, tham mưu Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 80/2023/QH15 về việc tiếp tục thực hiện một số chính sách trong phòng, chống dịch COVID-19 và sử dụng giấy đăng ký lưu hành thuốc, nguyên liệu làm thuốc hết thời hạn hiệu lực từ ngày 01/01/2023 đến ngày 31/12/2024; Nghị quyết số 144/NQ-CP ngày 05/11/2022 về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế…

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 4.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan phát biểu tại buổi làm việc.

 

Kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh truyền nhiễm lưu hành, nguy hiểm mới nổi. Cả nước chuyển sang giai đoạn thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Các dịch bệnh truyền nhiễm khác được kiểm soát tốt, không để xảy ra dịch chồng dịch...

Nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác khám bệnh, chữa bệnh. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường đang dần phục hồi so với giai đoạn trước đại dịch COVID-19… Tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đang từng bước được giải quyết.

Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe. Nghiên cứu đề xuất các chế độ, chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế, trong đó xây dựng và trình Chính phủ Nghị định sửa đổi Nghị định số 56/2011/NĐ-CP về hỗ trợ phụ cấp ưu đãi nghề đối với nhân viên y tế cơ sở, y tế dự phòng, trong đó đề xuất nâng mức phụ cấp ưu đãi nghề từ mức 40-70% lên 100%.

Tiếp tục triển khai hiệu quả công tác quản lý môi trường y tế, phòng, chống HIV/AIDS, an toàn vệ sinh thực phẩm….; đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số ngành Y tế.

Tiếp tục tăng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế

Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Đào Hồng Lan nhấn mạnh, Quốc hội đã phát huy vai trò là người đại diện của Nhân dân, "tạo điều kiện cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và ngành Y tế chủ động thực hiện các quyết sách sáng tạo, linh hoạt, thần tốc; cho phép triển khai các biện pháp chưa được luật quy định hoặc khác với quy định trong các luật, pháp lệnh hiện hành để đáp ứng yêu cầu cấp bách của công tác phòng, chống dịch COVID-19, từ đó giúp cho ngành Y tế giải quyết những vấn đề phát sinh cả trong và sau đại dịch".

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 5.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa phát biểu tại buổi làm việc.

 

Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, năm 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021-2025, tình hình kinh tế xã hội dự báo có nhiều thách thức, có thể có những tác động trực tiếp đến việc triển khai công tác y tế.

Bên cạnh đó, theo đánh giá và nhận định của Tổ chức Y tế thế giới, dịch COVID-19 vẫn diễn biến khó lường, khó dự đoán, nhất là sự xuất hiện của các biến chủng mới, ngành Y tế nhận thức rõ được những khó khăn, thách thức; đồng thời coi đây cũng là cơ hội lớn để toàn Ngành quyết tâm đổi mới, tạo ra những đột phá, khắc phục các khó khăn, bất cập.

"Với mục tiêu nâng cao sức khỏe cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam và yêu cầu đặt sức khỏe, tính mạng của người dân lên trên hết, trước hết; năm 2023, Bộ Y tế sẽ tập trung chỉ đạo toàn Ngành quyết tâm giữ vững tinh thần vượt khó, đoàn kết, chủ động thích ứng, linh hoạt, hành động quyết liệt, khoa học, hiệu quả, tích cực đổi mới, sáng tạo để giải quyết cả những tồn tại trước mắt và những vấn đề mang tính lâu dài, thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ.

Thay mặt Bộ Y tế, Bộ trưởng Đào Hồng Lan đề xuất, kiến nghị với đoàn công tác một số nội dung như: Tiếp tục tăng chi ngân sách hằng năm cho sự nghiệp y tế, tập trung ngân sách nhà nước cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần… quan tâm, dành ngân sách Trung ương để hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã, nhất là các trạm ở vùng khó khăn, đặc biệt khó khăn; đầu tư cho một số trung tâm y tế, bệnh viện huyện chưa được đầu tư;

Ủng hộ, tạo điều kiện để Bộ Y tế tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế…; quan tâm đến các quy định liên quan đến lĩnh vực y tế trong nội dung sửa đổi Luật giá, Luật Đấu thầu.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 6.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Nguyễn Hoàng Mai phát biểu tại buổi làm việc.

 

"Trong thời gian tới, cán bộ, công chức, viên chức, người lao động toàn Ngành mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo hơn nữa của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành, ủng hộ, phối hợp chặt chẽ của các cấp, ngành, địa phương, sự chia sẻ và đồng thuận của người dân trong triển khai các chủ trương, chính sách của Ngành; để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững, thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe Nhân dân"- Bộ trưởng Đào Hồng Lan bày tỏ thêm.

Chia sẻ và ghi nhận những nỗ lực của ngành y tế thời gian qua, các thành viên trong đoàn công tác bày tỏ đồng tình với những kết quả đạt được, những đề xuất của ngành Y tế, đặc biệt về chế độ chính sách dành cho cán bộ y tế cần được quan tâm triển khai sớm…

Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn chia sẻ, ủng hộ để phát triển ngành Y tế

Lắng nghe các ý kiến tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá dịp Tết vừa qua ngành Y tế đã thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ chăm sóc sức khỏe nhân dân, không để dịch bệnh bùng phát… góp phần tích cực để nhân dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và an toàn.

Nhìn lại hai năm 2020-2021, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội nói: Đến thời điểm này, chúng ta đã đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, góp phần quan trọng cho sự phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 7.

Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Trần Thị Hoa Ry phát biểu tại buổi làm việc.

 

Đóng góp chung vào kết quả đó có vai trò nòng cốt của ngành Y tế, công sức, trí tuệ, trách nhiệm cao của đội ngũ cán bộ, nhân viên y tế cả nước; sự hy sinh, cống hiến thầm lặng, cao cả của nhiều bác sĩ, y sĩ, y tá, điều dưỡng và lực lượng trực tiếp chăm sóc, điều trị, phục vụ. Trong chống dịch nhiều người vất vả vài tháng không được về với gia đình, hay trong dịp Tết cũng có nhiều cán bộ, nhân viên Y tế phải túc trực, không được về đoàn tụ gia đình.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội gửi lời thăm hỏi thân tình, ghi nhận, đánh giá cao, chia sẻ những khó khăn và chân thành cảm ơn những cống hiến, vất vả, hy sinh thầm lặng, cao cả của đội ngũ cán bộ, nhân viên của ngành Y tế cả nước.

Tại buổi làm việc, bày tỏ ghi nhận, biểu dương các kết quả nỗ lực của ngành y tế đã đạt được thời gian qua, tuy nhiên Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn lưu ý ngành Y tế vẫn còn có một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, Nhân dân và dư luận xã hội quan tâm như: đời sống của một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, nhất là cán bộ y tế cơ sở; thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập; tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập; thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết kịp thời, triệt để; năng lực y tế cơ sở, y tế dự phòng hạn chế; chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra...

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 8.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ cùng các đại biểu chụp ảnh cùng Lãnh đạo Bộ Y tế.

 

Lưu ý dịch COVID-19, các bệnh truyền nhiễm còn diễn biến khó lường, còn tâm lý chủ quan; tỷ lệ tiêm mũi 3, mũi 4 và cho trẻ em ở nhiều nơi chưa đạt dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ tái phát dịch bệnh… Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cho rằng đây cũng là những thách thức của ngành Y tế trong thời gian tới. Do đó, ngành Y tế tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết căn cơ những vấn đề tồn tại, hạn chế.

Kịp thời đưa Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vào cuộc sống

Tại buổi làm việc, cơ bản nhất trí với phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới của Bộ Y tế, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn khẳng định, Đảng, Nhà nước, Nhân dân luôn chia sẻ, ủng hộ để phát triển ngành Y tế; đồng thời mong muốn, ngành Y đoàn kết, thống nhất cao, hỗ trợ, động viên nhau nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thách thức, càng khó khăn càng phải đoàn kết.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, ngành Y tế tiếp tục tích cực, chủ động phối hợp với các bộ, ngành, cơ quan có liên quan để xây dựng các giải pháp trước mắt và lâu dài để giải quyết căn cơ những vấn đề tồn tại, hạn chế.

Mỗi cán bộ, nhân viên y tế phải hành động theo lời dạy của Bác Hồ "thầy thuốc như mẹ hiền" và 12 điều y đức khi làm nhiệm vụ Bộ Y tế cần tiếp tục quán triệt sâu sắc và thực hiện tốt Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết 20 và 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc nâng cao sức khỏe Nhân dân trong tình hình mới.

Đồng thời khẩn trương tham mưu Chính phủ để xây dựng các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) để kịp thời đưa Luật vào cuộc sống từ ngày 1/1/2024... Bộ Y tế cần sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050...

Với các kiến nghị của Bộ Y tế đối với Chính phủ, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chỉ đạo xem xét, và giải quyết theo thẩm quyền nhằm tạo điều kiện cho Bộ Y tế hoàn thành mọi mục tiêu, chỉ tiêu trong năm 2023 và các năm tiếp theo.

 

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đánh giá cao những hy sinh thầm lặng của cán bộ Y tế cả nước - Ảnh 9.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, Phó Thủ tướng Chính phủ chụp ảnh cùng Lãnh đạo Bộ Y tế và Lãnh đạo Văn phòng, các Cục/Vụ của Bộ Y tế.

 

Về kiến nghị ủng hộ, tạo điều kiện để Bộ tiếp tục sửa các Luật nêu trên, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội đề nghị, Bộ Y tế khẩn trương nghiên cứu tham mưu Chính phủ trình cơ quan có thẩm quyền theo quy định, đồng thời phối hợp chặt chẽ, ngay từ đầu với Ủy ban Xã hội của Quốc hội trong quá trình xây dựng.

Trân trọng tiếp thu những ý kiến chỉ đạo trực tiếp của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội, thay mặt Ban Cán sự Đảng Bộ Y tế cùng toàn ngành Y tế, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan khẳng định, Bộ sẽ đoàn kết, thống nhất tích cực, chủ động triển khai thực hiện nhiệm vụ, hoàn thành các chỉ tiêu được Quốc hội, Chính phủ giao, thể hiện bằng những sản phẩm cụ thể trình Chính phủ, Quốc hội trong thời gian tới.

 

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà nhấn mạnh, nhìn lại thành công của ngành Y tế thì nhìn vào các chỉ số thế giới đánh giá về chỉ tiêu phát triển bền vững để chúng ta tự hào.

Theo Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, trước năm 2020, ngành Y tế đã được thế giới đánh giá cao trên nhiều lĩnh vực, từ ghép tạng, khám chữa bệnh... Từ năm 2020, đại dịch xuất hiện, các y bác sĩ hết sức thầm lặng, cống hiến đã góp phần cùng cả nước khống chế thành công dịch bệnh.

"Chúng ta phải khẳng định vai trò nỗ lực, cống hiến của toàn hệ thống y tế vô cùng to lớn, đáng tự hào, hết sức kiên cường. Chúng ta tiếp đà thành tựu của năm 2022 để đi lên trong thời gian tới"- Phó Thủ tướng nói.

Đồng tình với báo cáo của Bộ Y tế, Phó Thủ tướng nhấn mạnh, Bộ Y tế cần đưa ra thứ tự ưu tiên trong công tác để huy động nguồn lực, vật lực cho công tác phòng chống dịch bệnh, khám chữa bệnh để ngành đáp ứng được nhu cầu bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân ngày càng cao.

Cho rằng công tác chăm sóc y tế ban đầu là quan trọng hay thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân, nguồn lực chi trả cho các bệnh viện… rất cần được sớm giải quyết, tuy nhiên Phó Thủ tướng nhấn mạnh một mình ngành Y tế không thể làm được mà cần có sự đồng hành của nhiều bộ, ban ngành...

 

 
 

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/pho-chu-tich-thuong-truc-quoc-hoi-danh-gia-cao-nhung-hy-sinh-tham-lang-cua-can-bo-y-te-ca-nuoc-169230130193118264.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 10
Hôm nay : 280
Tháng 04 : 94.533