A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Những điều đặc biệt lưu ý khi phục hồi chức năng, chăm sóc mỏm cụt

Chăm sóc và phục hồi chức năng mỏm cụt đúng cách giúp nhanh liền da vết mổ, làm thon chắc và duy trì sức mạnh cơ của mỏm cụt, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong thời gian đợi mỏm cụt lành để lắp chi giả và cải thiện khả năng vận động, di chuyển, đạt mức độc lập trong hoạt động hàng ngày.
Các bác sỹ tại khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng có một vài lưu ý để bạn chăm sóc và phục hồi chức năng mỏm cụt đảm bảo tính thẩm mỹ và chuẩn bị cho việc lắp chi giả sau này.
Mỏm cụt (đoạn chi) là phần còn lại của một chi sau khi bắt buộc phải phẫu thuật cắt cụt hoặc tháo khớp.
Nguyên nhân dẫn đến cắt cụt chi: Chấn thương (tai nạn lao động, tai nạn giao thông, tai nạn sinh hoạt, vết thương do hỏa khí…); Do bệnh lý (lao xương, ung thư xương, viêm tắc động mạch…), Dị tật bẩm sinh của chi (kém phát triển, thiếu một đoạn chi…).
Bất kể vì lý do gì, việc mất đi một chi không bao giờ là điều dễ dàng. Việc cắt cụt chi ảnh hưởng đến cả thể chất và tinh thần, làm thay đổi cuộc sống của cả người bệnh và người nhà bệnh nhân. Sau khi cắt cụt chi, bệnh nhân gặp phải rất nhiều khó khăn như: Đau mỏm cụt; Chảy máu mỏm cụt; Viêm tủy xươngÁp xe cơ; Mất cảm giác; Biến dạng khớp, co rút cơ mỏm cụt… ảnh hưởng đến tâm lý, chức năng sinh hoạt hàng ngày, trong lao động và học tập của người bệnh.
Chăm sóc và phục hồi chức năng mỏm cụt đúng cách giúp nhanh liền da vết mổ, làm thon chắc và duy trì sức mạnh cơ của mỏm cụt, phòng ngừa các biến chứng có thể xảy ra trong thời gian đợi mỏm cụt lành để lắp chi giả và cải thiện khả năng vận động, di chuyển, đạt mức độc lập trong hoạt động hàng ngày.
Các bác sỹ tại khoa Vật lý trị liệu, Bệnh viện Lão khoa - Phục hồi chức năng có một vài lưu ý để bạn chăm sóc và phục hồi chức năng mỏm cụt đảm bảo tính thẩm mỹ và chuẩn bị cho việc lắp chi giả sau này:
- Chăm sóc mỏm cụt: Bệnh nhân rửa mỏm cụt hằng ngày bằng nước ấm và xà phòng, lau khô rồi thoa vaseline cho mềm da. Bên cạnh đó, kết hợp theo dõi những thay đổi bất thường trên bề mặt mỏm cụt như lở, loét, đỏ, ngứa... báo nhân viên y tế để kịp thời can thiệp xử lý.

- Băng mỏm cụt: Dùng băng thun để băng mỏm cụt, tạo sức ép lên toàn bộ mỏm cụt nhằm làm giảm phù nề và tạo hình dáng tốt cho mỏm cụt (cho việc lắp chi giả sau này). Chú ý: Tránh vòng băng ngang, nên băng nghiêng hoặc băng xoắn chéo; sức ép giảm dần từ ngọn chi tới hướng gốc chi; vòng băng không được giới hạn cử động của khớp cũng như không được gây hạn chế tuần hoàn; không được gây lằn gấp nếp da; không được gây cảm giác đau tức cho bệnh nhân; không để băng tuột khi bệnh nhân vận động và sinh hoạt.
- Xoa bóp mỏm cụt: nhẹ nhàng, thường xuyên có tác dụng tăng khả năng liền vết thương, phòng ngừa sẹo dính, làm giảm phù nề, giảm đau, làm săn chắc mỏm cụt.
- Chỉnh đúng vị thế

+ Trường hợp cắt cụt trên gối: người bệnh nên nằm sấp càng sớm càng tốt sau phẫu thuật để tránh biến dạng gấp hông, nên có túi cát dọc bên ngoài mỏm cụt để tránh biến dạng dang hông. Giữ hai đùi ở vị trí trung tính vì ở cả hai vị thế nằm sấp và ngửa bệnh nhân có khuynh hướng nằm với mỏm cụt dạng và xoay ngoài.
+ Trường hợp cắt cụt dưới gối; Vị thế nằm sấp cũng rất tốt, vì tác dụng giảm sức ép trên đầu mỏm cụt và do ảnh hưởng của trọng lực cơ thể làm duỗi thêm khớp gối. Có thể cho bệnh nhân ngồi dậy sớm nhưng với mỏm cụt giữ ở vị thế duỗi.
+ Mỏm cụt biến dạng: Mỏm cụt trên gối thường bị biến dạng gập hông, dạng và xoay ngoài. Còn mỏm cụt dưới gối hay có biến dạng gập gối và có thể có co rút cơ gập hông. Để điều trị các chứng co cơ thì người bệnh cần thực hiện kéo giãn các cơ co rút, đồng thời tập tăng lực các cơ đối kháng. Sử dụng tạ để kéo giãn sẽ có hiệu quả khả quan hơn so với kéo giãn bằng tay.
+ Người bệnh bị cắt cụt trên và dưới gối thì cần tránh các vị thế sau:
. Chêm gối dưới hông hay đầu gối.
. Thõng mỏm cụt xuống cạnh giường.
. Ngồi xe lăn với mỏm cụt gập.
. Nằm ưỡn cong lưng.
. Nằm với gối gập.
. Nằm chêm gối giữa đùi.
. Nằm dạng mỏm cụt.
. Đứng gác mỏm cụt trên tay nạng.

- Tập vận động mỏm cụt: tập theo tầm vận động của khớp để tăng lực cơ; duy trì tầm hoạt động của các khớp; gia tăng tuần hoàn tại mỏm cụt; tránh nguy cơ rút cơ, biến dạng khớp gần mỏm cụt sau này. Sau phẫu thuật khoảng 10 ngày hoặc cho tới khi cắt chỉ, bệnh nhân cần chú ý giới hạn tối thiểu mọi hoạt động của mỏm cụt trên gối. Việc này nhằm mục đích giúp vết mổ chóng liền. Người bệnh có thể đung đưa nhẹ mỏm cụt. Khi vết thương đã liền, bệnh nhân có thể tăng cường độ luyện tập, cụ thể:
+ Tập khởi đầu cho mỏm cụt dưới gối: Bệnh nhân nằm ngửa, gập gồng cơ tứ đầu đùi hoặc nằm ngửa có chêm gối đỡ đùi rồi gập, duỗi nhẹ khớp gối;
+ Tập tăng lực cơ, tăng dần biên độ của mỏm cụt dưới gối khi kết hợp với các trở kháng là tạ và ròng rọc, bằng dây chun hoặc có người trợ giúp;
+ Buộc bao cát vào đầu mỏm cụt, cố gắng giữ mỏm cụt ở vị trí duỗi - nằm ngửa - gập hông 90° (đối với mỏm cụt trên gối).
+ Tập mạnh, tăng dần tầm độ của mỏm cụt trên gối có trở kháng theo nhiều tư thế như nằm ngửa, nằm sấp, nằm nghiêng, đứng, quỳ, ...;
+ Tập với dụng cụ trợ giúp và các dụng cụ phục hồi chức năng khác.
- Tập hoạt động chức năng toàn thân: Sau khi lắp chi giả, bệnh nhân cần tập đi với chân giả hoặc tập với tay nhằm cải thiện chức năng cầm nắm của bàn tay giả. Với bệnh nhân cần phục hồi chức năng di chuyển, có các bài tập sau:
+ Tập đứng trong thanh song song: 2 chân đặt cách nhau 20cm, luân phiên dồn trọng lượng lên cả chân lành và chân giả. Ngoài ra, có thể đổi tư thế 1 chân trước - 1 chân sau, luân phiên dồn trọng lượng lên 2 chân;
+ Tập đi trong thanh song song: Đi chậm, đưa chân giả lên trước;
Tập đi ngang theo 1 thanh: Bước 1 chân sang ngang rồi đưa chân giả bước theo;
+ Tập đứng dậy khi ngồi trên ghế cao: Cúi nghiêng người về phía trước rồi đứng dậy;
+ Tập ngồi xuống - đứng lên từ sàn nhà;
+ Tập đứng lên từ tư thế quỳ;
+ Tập ngã: Lót đệm trên sàn để khi người bệnh tập ngã không bị đập toàn thân xuống nền. Bệnh nhân có thể tập ngã về phía trước - phía sau hoặc sang 2 bên.
+ Tập lên xuống cầu thang:
. Khi lên chân lành bước lên trước, chân giả bước lên sau
. Khi xuống chân giả bước xuống trước, chân lành bước xuống sau
+ Tập bước qua chướng ngại vật cao dưới 10 cm (đối với mỏm cụt trên gối) bằng cách đi tới: Mặt đối diện với chướng ngại vật, đặt ngón chân lành cách vật khoảng 7-8cm, sau đó chuyển sức nặng thân người sang chân lành. Duỗi mỏm cụt ra rồi gập mạnh hông lại để nhấc chân giả qua chướng ngại vật.
+ Tập bước qua chướng ngại vật cao trên 10 cm: Người cụt chân trên gối di chuyển cách vật khoảng 12cm, xoay người ngang với vật sao cho chân giả cách vật khoảng 12cm, sau đó gập mạnh hông chân giả để duỗi gối và bước qua chướng ngại vật.
Sau khi có chân hoặc tay giả, người bệnh cần tập các hoạt động sinh hoạt hằng ngày như ăn uống, vệ sinh cá nhân, làm việc nhà... Ngoài ra, họ cũng có thể được hướng dẫn thực hiện một số bài tập riêng biệt để cải thiện khả năng cử động của bàn tay, ngón tay, cánh tay... hoặc đi lại, vận động...
Trong quá trình luyện tập, người bệnh cần tuân thủ tuyệt đối theo hướng dẫn của các nhân viên y tế, nếu xuất hiện bất thường tại mỏm cụt phải báo ngay cho nhân viên y tế để kịp thời xử lý.

Nguồn:Bệnh viện Lão Khoa- PHCN Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 4
Hôm nay : 543
Tháng 03 : 61.767