Bác sĩ cảnh báo 4 vấn đề thường gặp trong thai kỳ
Theo thống kê của WHO, mỗi năm Việt Nam có gần 2 triệu phụ nữ mang thai đang phải đối mặt với hàng loạt nguy hiểm gây ra bởi biến chứng sản khoa, trong đó có 800 trường hợp tử vong. Phần lớn các trường hợp này có thể ngăn ngừa hoặc điều trị sớm.
Vừa qua, trong khuôn khổ hợp tác với Johns Hopkins Medicine International (Mỹ), Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) tổ chức Hội thảo Khoa học Quốc tế "Những tiến bộ trong theo dõi và điều trị Sản phụ khoa", thu hút hơn 200 bác sĩ tại TP.HCM và các tỉnh lân cận tham gia.
Nội dung buổi hội thảo xoay quanh 4 vấn đề trong thai kỳ thường gặp nhất bao gồm tiểu đường thai kỳ, tiền sản giật, băng huyết sau sinh và sảy thai liên tiếp. Đây là những biến chứng nguy hiểm có thể xuất hiện từ lúc mang thai, trong quá trình sinh nở hay trong thời kỳ hậu sản. Nếu không được kịp thời phát hiện và điều trị sẽ ảnh hưởng lớn đến sức khỏe và thậm chí là nguy hiểm đến tính mạng của cả mẹ và bé.
Tiểu đường thai kỳ
Với tỷ lệ 1/7 thai phụ mắc bệnh, tiểu đường thai kỳ chính là bệnh lý thường gặp nhất. Bệnh khiến thai phụ dễ tăng huyết áp, tiền sản giật, sinh non hoặc sảy thai, tiểu đường khi về già. Đối với thai nhi, bệnh có thể gây dị tật, thai to khó sinh; suy hô hấp, co giật sau khi chào đời, chết lưu hoặc tử vong sau sinh; tiểu đường khi trưởng thành.
Các dấu hiệu nhận diện sớm là khát và uống nước nhiều, tiểu nhiều, mệt mỏi, sụt cân… Song, với hơn 40 năm kinh nghiệm, BS. CKII Huỳnh Kim Khoe - Trưởng khoa Phụ Sản, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) khuyên mẹ bầu nên chủ động tầm soát sớm ngay cả khi chưa có triệu chứng. Phương pháp xét nghiệm phổ biến nhất hiện nay là test dung nạp 75g đường vào tuần thai thứ 24-28. Tại Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH), bác sĩ sẽ chỉ định thêm xét nghiệm HbA1C vào trước tuần 16, tầm soát tiền tiểu đường sớm hơn để lên kế hoạch dự phòng kịp thời.
Tiền sản giật
Cứ 100 thai phụ có 2-8 người mắc tiền sản giật và 2/3 phụ nữ có tiền căn có nguy cơ tử vong vì bệnh tim mạch. Bác sĩ Khoe cho biết, căn bệnh không rõ nguyên nhân song xuất hiện từ lúc thụ thai, nên phải khảo sát trong 3 tháng đầu để phát hiện nguy cơ. Bệnh cũng không có một xét nghiệm nào đảm bảo từ đầu đến cuối thai kỳ, mà phải theo dõi liên tục để ngăn ngừa.
Tiền sản giật dẫn đến 50% sinh non, 10% thai lưu. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ khiến sản phụ co giật, mất ý thức, hôn mê trước và trong sinh; đột quỵ, suy thận… sau sinh. Do đó, nhất thiết phải dự phòng sớm từ tuần thai 11 bằng cách khám sàng lọc qua 3 bước: đo huyết áp, siêu âm đo doppler động mạch tử cung và lấy máu xét nghiệm.
Băng huyết sau sinh
Tại hội thảo, các bác sĩ dành nhiều thảo luận về quy trình cấp cứu sản phụ băng huyết, bởi đây là cuộc đua giành giật từng giây với tử thần, đòi hỏi phải tập hợp các bác sĩ sản khoa nhanh chóng và điều trị đa mô thức ứng biến với từng giai đoạn: xử trí tích cực sau khi em bé ra đời, xoa bóp tử cung ở ngoài thành bụng, …
Bác sĩ Khoe cho biết thêm, những trường hợp nặng sẽ cần đến bác sĩ sản khoa có nhiều kinh nghiệm hỗ trợ để thắt động mạch tử cung, thắt động mạch hạ vị, khâu ép tử cung... và cùng êkip "cân não" tìm cách bảo tồn tử cung. Với những ca này, Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) có lợi thế là bệnh viện đa khoa thay vì chỉ chuyên sản khoa nên có thể cùng phối hợp, hỗ trợ cấp cứu kịp thời trong các trường hợp khẩn cấp và nặng, ví dụ như phối hợp với chuyên khoa huyết học để điều trị rối loạn đông máu.
Sảy thai liên tiếp
Đây là tình trạng khá phổ biến - với ước tính 20% phụ nữ sảy thai tự nhiên và khoảng 2% sảy thai "quen dạ" (sảy thai liên tiếp). Sảy thai liên tiếp không đoạt mạng người mẹ, nhưng khiến nhiều sản phụ ám ảnh tâm lý và dằn vặt, dần dẫn tới vô sinh. Em bé chưa thể chào đời có thể do khiếm khuyết giải phẫu, di truyền, nội tiết, môi trường, thể trạng… của bố mẹ.
Bệnh viện Quốc tế Mỹ (AIH) đã đồng hành cùng nhiều gia đình hiếm muộn tìm và giữ con cho đến khi chào đời khỏe mạnh. Chia sẻ kinh nghiệm tại hội thảo, các bác sĩ cho biết cần tiếp cận y khoa dựa trên điều chỉnh các rối loạn trong cơ thể và điều chỉnh trên thực thể; giải quyết các nguyên nhân từ không xấm lấn, ít xâm lấn đến xâm lấn. Chẳng hạn như trường hợp thai phụ mắc dị tật tử cung hai sừng khó giữ thai, bác sĩ có thể chỉ định khâu eo tử cung nếu có hở eo cổ tử cung.