A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

“Mỗi người dân cần trang bị kiến thức về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm”

Theo ngành Y tế, các dịch bệnh truyền nhiễm trên địa bàn tỉnh hiện nay như sốt xuất huyết, cúm, Covid-19… nguy cơ dịch chồng dịch luôn hiện hữu. Do đó, công tác phòng chống dịch bệnh được ngành thực hiện trên quan điểm phòng dịch từ sớm, từ xa, từ cơ sở; không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác, không để dịch bùng phát. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn bác sĩ Vũ Quyết Thắng, Giám đốc CDC Quảng Ninh về nội dung này.
- Ông đánh giá như thế nào về tình hình các bệnh truyền nhiễm tại Quảng Ninh thời gian qua?
+ Trong nhiều tháng qua, số ca mắc Covid-19 tại Quảng Ninh liên tục giảm mạnh cả về số ca mắc, ca nặng và số trường hợp tử vong. Dịch đã cơ bản được kiểm soát tốt và khống chế; số ca mắc Covid-19 tại Quảng Ninh từ 10-20 ca/ngày.  
Đối với các bệnh truyền nhiễm khác, trong những năm qua tại Quảng Ninh chưa ghi nhận các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, như cúm A/H7N9, cúm A/H5N1, Mers-Cov. Đối với các bệnh truyền nhiễm mới nổi, như đậu mùa khỉ, viêm gan cấp chưa rõ nguyên nhân… đến nay chưa ghi nhận ca mắc. Trước tình hình dịch trên thế giới và trong nước, hệ thống giám sát dịch tại các tuyến trên địa bàn tỉnh luôn theo dõi giám sát chặt chẽ.
Các bệnh truyền nhiễm lưu hành địa phương, như sởi, ho gà, dại, quai bị, thủy đậu, liên cầu lợn… vẫn ghi nhận các ca mắc hăng năm nhưng rải rác, không gây thành dịch. Một số bệnh truyền nhiễm phát triển theo mùa, như cúm, tay chân miệng, nhất là sốt xuất huyết có xu hướng gia tăng so với năm 2021, đây cũng là tính tất yếu quy luật của dịch. Trong năm 2022, đến nay số ca mắc cúm mùa ghi nhận tăng gấp 2 lần; tay chân miệng tăng 10 lần; sốt xuất huyết tăng 68%; sốt xuất huyết vẫn theo xu hướng bùng phát và gây dịch vào 3 tháng cuối năm, chủ yếu tại TP Hạ Long, dự báo có xu hướng giảm trung tuần tháng 12.
Các bệnh truyền nhiễm nói chung đều có nguy cơ trở nặng và gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được theo dõi, điều trị phù hợp. Chúng ta không được chủ quan dù là các bệnh truyền nhiễm thông thường, bởi sự biến chủng của nhiều loại vi rút gây bệnh khiến bệnh dễ trở nặng và có nguy cơ tử vong cao hơn.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 mũi 4 cho người dân tại Trạm Y tế xã Quảng Minh (huyện Hải Hà), tháng 11/2022.
- Thời tiết chuyển lạnh, dễ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm, ông có khuyến cáo gì đến người dân?
+ Thời gian giao mùa là thời điểm thuận lợi cho các loại bệnh truyền nhiễm lây lan và phát triển. Đặc biệt thời điểm giao mùa thu đông dễ phát sinh và lây lan các dịch bệnh truyền nhiễm do thời tiết thay đổi từ nóng sang lạnh, biên độ giao động nhiệt trong ngày lớn, sức đề kháng của con người chưa kịp thích nghi, suy giảm, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Một số bệnh truyền nhiễm thường hay gặp thời điểm này là cúm mùa, Covid-19, Adeno vi rút, sởi, tiêu chảy do vi rút, tay chân miệng… Bên cạnh đó, cũng cần đặc biệt quan tâm đến sự xuất hiện của cúm gia cầm vì dịp Tết cận kề, sự giao thương giữa các vùng miền, nhu cầu đi lại và sử dụng các sản phẩm từ gia cầm tăng cao.
Để hạn chế mắc các bệnh truyền nhiễm vào thời điểm giao mùa, chúng ta cần tăng cường hệ thống miễn dịch chủ động của cơ thể bằng cách tiêm phòng vắc-xin đầy đủ, đúng lịch đối với các bệnh truyền nhiễm có vắc-xin như cúm, Covid-19, sởi, rota..; chế độ ăn cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, đầy đủ theo lứa tuổi; vệ sinh, giữ ấm cơ thể; sử dụng thực phẩm có nguồn gốc, đồ ăn được chế biến đảm bảo; kiểm soát tốt các bệnh nền, bệnh mạn tính. Đặc biệt, mọi người cần quan tâm vệ sinh mũi họng; che miệng khi ho, khi hắt hơi; mang khẩu trang phù hợp, mang khẩu trang ở nơi có nguy cơ cao, những nơi có không gian hẹp, kín…

Bác sĩ Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh khám, điều trị cho bệnh nhân mắc cúm. (Ảnh chụp tháng 11/2022)
- Tình hình dịch bệnh cơ bản được kiểm soát, tuy nhiên vẫn có nguy cơ dịch chồng dịch xảy ra. CDC Quảng Ninh đã triển khai những giải pháp nào để ngăn chặn, thưa ông?
+ Nguy cơ dịch chồng dịch hay đồng nhiễm nhiều loại dịch bệnh cùng lúc ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của cộng đồng và gây áp lực lớn lên hệ thống y tế. Bởi vậy, CDC Quảng Ninh đã chủ động tham mưu và thực hiện các giải pháp nhằm phòng bệnh từ sớm, từ xa, đảm bảo an toàn phòng, chống dịch, bảo vệ sức khỏe cộng đồng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
CDC Quảng Ninh tiếp tục chủ động trong giám sát phát hiện ca bệnh truyền nhiễm, sự kiện y tế công cộng tại cộng đồng, khu vực cửa khẩu, đơn vị điều trị; đuy trì và đẩy mạnh hơn nữa độ bao phủ vắc-xin đối với các dịch bệnh có vắc-xin tiêm chủng, nhất là tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Bởi vắc-xin được xác định là “vũ khí” quan trọng nhất và dự phòng tốt nhất để đẩy lùi mọi dịch bệnh.
CDC Quảng Ninh tiếp tục phối hợp liên ngành trong phòng, chống dịch bệnh và huy động sự tham gia của cộng đồng, mỗi người dân cần trang bị kiến thức về phòng, chống các bệnh truyền nhiễm; tăng cường công tác phối hợp y tế thú y trong giám sát, phát hiện sớm các trường hợp bệnh truyền nhiễm lây truyền từ động vật sang người như cúm gia cầm…; ứng dụng và phát triển hiệu quả công nghệ thông tin vào công tác phòng, chống dịch bệnh; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
- Xin cảm ơn ông!

Nguồn:https://baoquangninh.com.vn/moi-nguoi-dan-can-trang-bi-kien-thuc-ve-phong-chong-cac-benh-truyen-nhiem-3217167.html Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 2
Hôm nay : 512
Tháng 04 : 85.006