A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

6 điểm mới của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS

SKĐS - Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 141/2024/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS)…

Theo đó, Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) được ban hành đã thay thế cho 3 Nghị định, bao gồm:

- Nghị định số 108/2007/NĐ-CP ngày 26/6/2007 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS);

- Nghị định số 75/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện thực hiện xét nghiệm HIV;

- Nghị định số 90/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định về điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế.

Đồng thời Nghị định cũng quy định một số nội dung của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống nhiễm virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS) chưa được quy định chi tiết thuộc thẩm quyền của Chính phủ.

6 điểm mới của Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Phòng, chống HIV/AIDS- Ảnh 1.

Lấy máu xét nghiệm HIV.

Một số điểm mới của Nghị định như:

Thứ nhất, hướng dẫn đầy đủ nội dung quy định chi tiết khoản 6 và khoản 9 Điều 1 của Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020, về việc cho phép người nhiễm HIV, người có hành vi nguy cơ cao được thực hiện cung cấp dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS và xét nghiệm sàng lọc HIV, xét nghiệm khẳng định HIV dương tính, cụ thể:

- Tuyên truyền và tham gia thực hiện các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV theo quy định của Chính phủ;

- Cung cấp dịch vụ tư vấn, xét nghiệm sàng lọc HIV, sinh phẩm tự xét nghiệm HIV cho người có hành vi nguy cơ cao khi đáp ứng đủ điều kiện theo quy định của Chính phủ;

- Điều kiện, hồ sơ, thủ tục công nhận cơ sở đủ điều kiện xét nghiệm khẳng định HIV dương tính theo quy định của Chính phủ.

Thứ hai, quy định đầy đủ các biện pháp và đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV, đảm bảo việc mở rộng các giải pháp dự phòng lây nhiễm HIV và cụ thể hóa các nhóm đối tượng cần can thiệp nhằm thích ứng với sự thay đổi về tình hình dịch tễ HIV và các nhóm có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV mới nổi theo như quy định của khoản 7 Điều 1 Luật HIV 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 21 Luật HIV 2006).

Thứ ba, việc quản lý, phân phối, sử dụng thuốc kháng HIV phát sinh nhiều điểm chưa phù hợp với Luật Ngân sách nhà nước, Luật Dược, Luật Bảo hiểm y tế cần phải thay đổi. Thực tiễn phát sinh 3 nhóm đối tượng được cấp thuốc ARV miễn phí gồm có:

- Người bị phơi nhiễm, người bị nhiễm HIV do tham gia cứu nạn;

- Trẻ em có chỉ định điều trị dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con;

- Người nhiễm HIV trong cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở trợ giúp xã hội, trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giam giữ khác.

Việc thay đổi này nhằm đảm bảo độ bao phủ cho các nhóm đối tượng trên được tiếp cận với thuốc ARV, thể hiện được tính ưu việt của xã hội, nhà nước và phù hợp với khoản 13 Điều 1, Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2020 (sửa đổi, bổ sung Điều 39 Luật Phòng, chống HIV/AIDS năm 2006).

Thứ tư, sửa đổi một số quy định đối với người nghiện các chất dạng thuốc phiện tại Nghị định số 90/2016/NĐ-CP đồng bộ thống nhất với quy định đã thay đổi tại Luật Phòng, chống ma túy năm 2021 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật xử lý vi phạm hành chính; đồng thời đưa nội dung quy định về cấp phát thuốc thay thế nhiều ngày vào Nghị định tạo hành lang pháp lý cho việc triển khai mở rộng ra toàn quốc trong thời gian tới.

Thứ năm, về hồ sơ, thủ tục đăng ký tham gia điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế và hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng quy định phù hợp với thực tế, đáp ứng được yêu cầu về cắt giảm thủ tục hành chính.

Việc quy định hồ sơ, thủ tục cấp thẻ nhân viên tiếp cận cộng đồng tại Thông tư liên tịch là không còn phù hợp với quy định ban hành văn bản quy phạm pháp luật về kiểm soát thủ tục hành chính.

Thứ sáu, một số quy định về điều kiện cơ sở vật chất, nhân sự để tổ chức hoạt động của cơ sở điều trị thay thế, cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính thay đổi cho phù hợp với hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khám bệnh, chữa bệnh và an toàn sinh học; đồng thời, quy định bổ sung về điều kiện, thẩm quyền, hồ sơ, trình tự, thủ tục chỉ định, điều chỉnh giấy chứng nhận cơ sở xét nghiệm khẳng định HIV dương tính tham chiếu trước đây chưa được quy định tại Nghị định số 75/2016/NĐ-CP.


Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/6-diem-moi-cua-nghi-dinh-quy-dinh-chi-tiet-mot-so-dieu-cua-luat-phong-chong-hiv-aids-169241120094710757.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 20
Hôm nay : 1.868
Tháng 12 : 108.204