A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Gánh nặng ung thư toàn cầu ngày một tăng; Mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới

SKĐS - Hôm nay, 4/2 - là Ngày Thế giới phòng, chống bệnh ung thư nhằm nâng cao nhận thức, dự phòng, phát hiện sớm, điều trị tốt hơn bệnh ung thư. Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IRAC) thuộc WHO cho hay gánh nặng ung thư toàn cầu đang ngày một tăng. Tại Việt Nam hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với căn bệnh này.
Gánh nặng ung thư ngày càng tăng; Loại ung thư nào phổ biến ở nam giới, nữ giới?
Ngày Thế giới Phòng, Chống bệnh Ung thư năm 2024 đánh dấu năm thứ ba của chiến dịch "Thu hẹp khoảng cách chăm sóc".
Trong năm cuối cùng, chiến dịch sẽ tiếp tục tập trung vào nâng cao nhận thức của cộng đồng về sự thiếu công bằng và những rào cản còn tồn tại đối với nhiều người trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc cho bệnh nhân ung thư. Mọi người đều xứng đáng được tiếp cận các dịch vụ y tế có chất lượng bất kể họ là ai.

Gánh nặng ung thư toàn cầu ngày một tăng; Mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới bệnh này- Ảnh 1.

Người bệnh chờ nội soi, thăm dò chức năng, sàng lọc phát hiện ung thư tại Bệnh viện K.
Qua đó kêu gọi mọi người dân tham gia định kỳ khám sàng lọc, xét nghiệm tầm soát ung thư nhằm phát hiện sớm và điều trị kịp thời, giảm chi phí, khả năng tử vong do ung thư.
Theo báo cáo thường niên từ Cơ quan nghiên cứu Ung thư quốc tế (IRAC) trực thuộc WHO vừa công bố ngày 1/2, gánh nặng ung thư toàn cầu đang ngày một tăng. Có hàng chục loại ung thư được biết đến nhưng riêng 10 loại phổ biến nhất đã chiếm 2/3 số ca mắc và tử vong toàn cầu.
Ung thư phổi phổ biến nhất trên toàn thế giới, chiếm 12,4% số ca mắc mới. Ung thư vú chiếm 11%, ung thư đại trực tràng 9,6%, tiếp theo là ung thư tuyến tiền liệt 7,3% và ung thư dạ dày 4,9%.
Xét theo nguyên nhân tử vong, ung thư phổi chiếm hàng đầu, gây ra 18,7% số ca tử vong do ung thư. Ung thư đại trực tràng chiếm 9,3% số ca tử vong, ung thư gan 7,8%, ung thư vú 6,9% và ung thư dạ dày 6,8%.
Đối với phụ nữ, loại ung thư phổ biến nhất và nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu là ung thư vú, ung thư phổi và đại trực tràng đứng thứ 2 và thứ 3 về cả số ca mắc mới và số ca tử vong.
Đối với nam giới loại ung thư phổ biến nhất và nguyên nhân gây tử vong do ung thư hàng đầu là ung thư phổi. Ung thư tuyến tiền liệt và đại trực tràng là bệnh ung thư phổ biến thứ 2 và thứ 3.
Phát hiện sớm, điều trị sớm ung thư- chìa khoá mang lại hiệu quả cao và chi phí thấp 
Tại Việt Nam, GS.TS Trần Văn Thuấn - Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh, hiện nay, các bệnh không truyền nhiễm (tim mạch, tiểu đường, ung thư…) đang có xu hướng gia tăng trong thời gian qua. Ung thư đang là vấn đề lớn về sức khoẻ cộng đồng. 

Gánh nặng ung thư toàn cầu ngày một tăng; Mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới bệnh này- Ảnh 2.

Sàng lọc và phát hiện sớm ung thư phổi và các loại ung thư khác cho người dân tại Hưng Yên.
Tính riêng ung thư, tại Việt Nam có trên 183.000 ca mới mắc, trên 122.000 ca tử vong do ung thư. Hiện có khoảng 354.000 người đang sống chung với ung thư.
Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn cho biết hiện nay ung thư phổi là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới. Tại nước ta, riêng ung thư phổi chiếm khoảng 1/4 trong tổng số ca mắc ung thư hàng năm đối với nam giới.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng cảnh báo xu hướng người trẻ hút thuốc lá thế hệ mới, thuốc lá điện tử đang gia tăng trong khi nguyên nhân chính gây ra ung thư phổi là tỉ lệ hút thuốc lá gia tăng.
"Đây là điều chúng ta hết sức cảnh giác trong thời gian tới, chúng được quảng cáo ít gây hại hơn so với thuốc lá truyền thống, tuy nhiên các bằng chứng khoa học lại cho thấy chúng nguy hiểm hơn nhiều", Thứ trưởng Trần Văn Thuấn nói đồng thời nhấn mạnh không chỉ riêng ung thư mà tất cả các bệnh khác khi phát hiện sớm, việc điều trị sẽ mang lại hiệu quả cao và chi phí thấp.
Cũng theo Thứ trưởng Bộ Y tế, mặc dù đã có rất nhiều nỗ lực về chủ trương chính sách và thực thi hoạt động kiểm soát ung thư, nhưng vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, cần tăng cường các hoạt động phòng chống ung thư ở tất cả các tuyến y tế, đặc biệt tuyến cơ sở cần phải đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền cho người dân đi khám sàng lọc phát hiện sớm và chăm sóc người bệnh ung thư dựa vào cộng đồng.
Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền kêu gọi người dân tiếp tục chủ động, tích cực tham gia BHYT để tiến tới BHYT toàn dân bởi đây là cứu cánh cho người dân nếu không may mắc bệnh, đặc biệt là bệnh ung thư.
Việt Nam có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư
PGS.TS Phạm Văn Bình – Phó giám đốc Bệnh viện K cho biết hiện nay đã có nhiều tiến bộ trong điều trị ung thư, nhiều loại ung thư đã được chữa khỏi, nhất là trong chẩn đoán có nhiều trang thiết bị phát hiện sớm; có nhiều hóa chất, thuốc đích, thuốc miễn dịch tăng cơ hội chữa khỏi cho những người có đột biến gen, có yếu tố miễn dịch ở giai đoạn muộn.
Với người bệnh ung thư cần điều trị đa mô thức trong đó phẫu thuật là phương pháp mang tính triệt căn lớn nhất. Với hơn 200 bệnh ung thư khác nhau thì 60% có thể khỏi bệnh bằng phẫu thuật đơn thuần nếu chẩn đoán sớm.
Theo các chuyên gia hầu hết các kỹ thuật mới trên thế giới Việt Nam có thể đáp ứng được, như phẫu thuật nội soi 3D, phẫu thuật nội soi robot… Hiện nay trang thiết bị, máy móc cho chẩn đoán và điều trị ung thư của Việt Nam sánh ngang tầm các nước trong khu vực và trên thế giới, tuy nhiên vướng mắc nhất trong điều trị ung thư tại Việt Nam là bệnh nhân quá đông, cơ sở vật chất chưa đáp ứng. Mạng lưới ung thư đã phát triển nhưng chênh lệch về trình độ giữa các tuyến. Bệnh nhân ung thư có tâm lý phải lên tuyến trên gây quá tải cho các bệnh viên trung ương...

Gánh nặng ung thư toàn cầu ngày một tăng; Mỗi năm Việt Nam có hơn 180.000 ca mắc mới bệnh này- Ảnh 3.

Bệnh viện K ứng dụng robot trong phãu thuật và điều trị ung thư.
Theo TS Vũ Đức Bình - Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, ngày nay ung thư là chủ đề về sức khoẻ được cộng đồng bàn luận rất nhiều, ung thư thường gây ra sự sợ hãi, đau buồn, kiệt quệ sức lực và sự lo hãi về cái chết.
"Nhưng ngày nay, thế giới và ngay tại Việt Nam cũng đã và đang áp dụng những phác đồ điều trị, những loại thuốc chữa trị ung thư thực sự hiệu quả. Bởi vậy, ung thư có lẽ không nên được coi là "căn bệnh chết chóc" nữa, mà chỉ là "căn bệnh nan y" cần chữa trị trong một thời gian dài.
Người bệnh ung thư có thể lui bệnh, phục hồi, duy trì sức khoẻ ổn định một cách an toàn sau thời gian điều trị kéo dài, nhưng phụ thuộc rất nhiều vào việc họ học các kỹ năng quản lý và hiểu không chỉ căn bệnh, mà cả cơ thể và tâm lý của bản thân mình. Điều này sẽ góp phần quyết định sự thành công hay thất bại trong quá trình điều trị"- TS Bình nhấn mạnh.
Đồng thời, Phó Viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương khẳng định: Khi người bệnh, người nhà người bệnh hiểu sâu sắc về điều này, thì chắc chắn rằng, việc điều trị ung thư sẽ dễ dàng hơn, giảm đi rất nhiều gánh nặng tinh thần và tăng thêm cơ hội lui bệnh. Thấu hiểu được những điều cần thiết, giúp cho người bệnh, người nhà người bệnh yên tâm trong quá trình điều trị...
Làm gì để ngừa chống ung thư?
Bệnh ung thư thường phát triển âm thầm một thời gian dài trước khi gây ra các dấu hiệu và triệu chứng trên lâm sàng để có thể phát hiện được.
Có nhiều triệu chứng cảnh báo bạn có thể mắc ung thư, bao gồm:
- Mệt mỏi, chán ăn, sụt cân không rõ nguyên nhân.
- Có máu trong nước tiểu hoặc trong phân.
- Táo bón hoặc tiêu chảy.
- Thay đổi da, vết loét hoặc vết loét không lành.
- Đau dai dẳng hoặc đau đầu.
- Ho mãn tính.
- Sốt, đổ mồ hôi ban đêm.
- Buồn nôn hoặc nôn tái phát.
- Sưng hạch bạch huyết.
Để phòng ngừa ung thư cần:
1. Tránh hút thuốc: Hút thuốc lá chủ động hay tiếp xúc khói thuốc trong thời gian dài là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc ung thư, đặc biệt là ung thư phổi vì vậy hãy bỏ thuốc lá nếu bạn đang sử dụng hàng ngày.
2. Ăn một chế độ ăn giàu dinh dưỡng - một chế độ ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc, và ít chất béo bão hòa, chuyển hóa, thịt đỏ và thịt chế biến sẵn. Tuyệt đối không ăn thực phẩm có dấu hiệu mốc hoặc có mùi.
3. Không lạm dụng rượu bia và sử dụng các chất kích thích khác.
4. Duy trì cân nặng hợp lý.
5. Thực hiện các biện pháp phòng ngừa thích hợp xung quanh các chất gây ung thư và hóa chất công nghiệp, chẳng hạn như đeo găng tay và đảm bảo không gian làm việc được thông gió.
6. Làm sàng lọc ung thư định kỳ, phù hợp với độ tuổi, giới tính và các yếu tố nguy cơ.
7. Tránh tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời.
8. Bảo vệ khỏi các bệnh lây nhiễm qua đường tình dục.
9. Tập thể dục đều đặn. Hãy chọn hình thức tập luyện phù hợp với bạn và tập hàng ngày trong khoảng 30 phút để giảm nguy cơ ung thư.

Nguồn:https://suckhoedoisong.vn/ganh-nang-ung-thu-toan-cau-ngay-mot-tang-moi-nam-viet-nam-co-hon-180000-ca-mac-moi-169240204160740102.htm Copy link
Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 19
Hôm nay : 4.817
Tháng 10 : 68.917