A- A A+ | Tăng tương phản Giảm tương phản

Chuyển đổi số trong các lĩnh vực trọng điểm

Trong tiến trình chuyển đổi số, Quảng Ninh xác định sẽ lấy những nền tảng, thành tựu đã đạt được của hệ thống Chính quyền điện tử và Đề án xây dựng thành phố thông minh của tỉnh làm tiền đề để chuyển đổi số toàn diện. Trong đó, xác định sẽ tiếp tục triển khai sâu hơn nữa việc ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa mạnh mẽ trong các ngành, lĩnh vực trọng điểm.
 

Học sinh Trường THCS Ninh Dương, TP Móng Cái làm quen với thiết bị và các ứng dụng CNTT trong một giờ học trực tiếp tại trường.
Nhận thức được vấn đề quan trọng về chất lượng nguồn nhân lực trong tiến trình chuyển đối số nói riêng và sự phát triển tổng thể KT-XH nói chung, Quảng Ninh xác định, việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), số hóa, chuyển đổi số phải được triển khai mạnh mẽ, đồng bộ, quy củ ngay từ trong trường học, trong ngành giáo dục, nhằm chắc từ gốc nguồn nhân lực CNTT. Nhờ định hướng đó, những năm qua, Quảng Ninh được đánh giá là một trong những địa phương đi đầu cả nước về triển khai các hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo.
Được triển khai sớm từ năm 2009, đến nay, phần mềm quản lý văn bản trực tuyến trong ngành giáo dục đã giúp số hóa và xử lý 100% văn bản đi, đến trong ngành; 100% cán bộ, chuyên viên, nhân viên ngành giáo dục đều có tài khoản, có chữ ký số để truy cập và xử lý công việc. Sở GD&ĐT cũng đã hoàn thiện liên thông văn bản điện tử qua trục liên thông văn bản quốc gia với Bộ GD&ĐT, các cơ quan trung ương; liên thông văn bản điện tử đến toàn bộ 13/13 phòng GD&ĐT và toàn bộ các trường THPT trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, 13/13 phòng GD&ĐT, 89 trường học, cơ sở giáo dục các cấp cũng đã được trang bị hệ thống hội nghị truyền hình công nghệ video conference. Trong suốt thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp, ngành giáo dục đã đảm bảo việc thực hiện các cuộc họp, hội nghị, tập huấn quan trọng theo hình thức trực tuyến, đảm bảo tất cả các nội dung công việc cần triển khai trong ngành không bị gián đoạn, chậm trễ.
Ngành GD&ĐT tỉnh còn đầu tư hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại cho 89 trường học theo mô hình ứng dụng CNTT nâng cao. Hệ thống này đã cho thấy hiệu quả vượt bậc trong thực tế thời gian qua khi toàn bộ cơ sở giáo dục phổ thông, giáo dục thường xuyên đã ứng dụng được tối đa phương tiện, thiết bị CNTT để tổ chức dạy học trực tuyến; lồng ghép hiệu quả giữa dạy học trực tiếp và trực tuyến, qua đó, thực hiện được mục tiêu “tạm dừng đến trường nhưng không dừng việc học” trong hoàn cảnh dịch bệnh. Việc ứng dụng CNTT, số hóa trong giáo dục đã và đang tác động tích cực, mang lại hiệu quả cao trong công tác quản lý, dạy học, phòng chống dịch trong các nhà trường. Qua đó, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần tạo đà để Quảng Ninh bứt phá trong phát triển KT-XH và trên tiến trình chuyển đổi số toàn diện giai đoạn tiếp theo.
Cùng với ngành giáo dục, ngành y tế cũng là một trong những ngành trọng điểm được tỉnh xác định ưu tiên dành nguồn lực và chỉ đạo sâu sát để ứng dụng sâu CNTT và triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ. Từ năm 2010, nhiệm vụ ứng dụng CNTT đã bắt đầu được ngành y tế Quảng Ninh đặc biệt quan tâm chỉ đạo, ưu tiên đầu tư và thực hiện xuyên suốt trong hoạt động của ngành. Giai đoạn 2010-2015, Sở Y tế đã tập trung chỉ đạo, tích cực đầu tư hoàn thiện cơ bản các hạ tầng CNTT, với 100% đơn vị có phòng máy chủ và 100% máy tính được kết nối internet để phục vụ công việc; triển khai đồng bộ các phần mềm quản lý, điều hành y tế, như: Phần mềm quản lý khám chữa bệnh (HIS, LIS, PACS), các phần mềm quản lý điều hành văn bản điện tử, dịch vụ công trực tuyến (mức độ 3, 4); trang thông tin điện tử tổng hợp... Nhờ hạ tầng CNTT, ngành y tế đã cắt giảm từ 40-50% thời gian giải quyết thủ tục hành chính trong ngành; tiết kiệm trung bình 20-30 phút cho cả quy trình khám bệnh của bệnh nhân; giúp điều phối, phân luồng bệnh nhân, tránh quá tải những giờ cao điểm mỗi ngày...

Xe tiêm thông minh với phần mềm chuyên dụng được đồng bộ với dữ liệu của bệnh án điện tử được triển khai ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Từ năm 2012, ngành y tế tỉnh bắt đầu triển khai xây dựng hệ thống Telemedicine (y tế từ xa) đến tất cả các đơn vị tuyến huyện phục vụ công tác hội chẩn từ xa, đào tạo và chuyển giao kỹ thuật qua mạng internet. Đến nay, 24 điểm cầu trong hệ thống Telemedicine của tỉnh đã kết nối được tới 18 bệnh viện tuyến Trung ương theo đề án khám chữa bệnh từ xa của Bộ Y tế (Telehealth), góp phần vừa giảm tải, vừa nâng cao chất lượng khám chữa bệnh của ngành y tế Quảng Ninh. Tiếp đó, từ năm 2016 đến nay, ngành y tế đã tiếp tục triển khai mạnh mẽ hơn việc ứng dụng CNTT, chuyển đổi số với việc đồng bộ và kết nối liên thông dữ liệu khám chữa bệnh thực hiện thanh toán, giám định điện tử với BHXH; ứng dụng chữ ký số và trao đổi văn bản điện tử trong toàn ngành; triển khai hồ sơ sức khỏe điện tử...
Cùng với đó, dấu ấn đặc biệt của ngành y tế tỉnh trong ứng dụng CNTT, chuyển đổi số là việc xây dựng mô hình bệnh viện thông minh tại 3 bệnh viện: Đa khoa tỉnh, Bãi Cháy, Sản Nhi, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế. Trong năm 2020, 3 bệnh viện này cũng đã hoàn thành mục tiêu triển khai bệnh án điện tử, hoàn thành trước 3 năm so với quy định của Bộ Y tế. Hệ thống bệnh án điện tử với các phần mềm CNTT chuyên dụng như: Hệ thống quản lý thông tin bệnh viện (HIS), hệ thống thông tin xét nghiệm (LIS), hệ thống lưu trữ và truyền tải hình ảnh y khoa (PACS)... đã thể hiện rõ nét tính ưu việt của chuyển đổi số đối với những ngành trọng điểm như y tế.
Cùng với giáo dục, y tế, nhiều ngành, lĩnh vực trọng điểm khác được tỉnh xác định, như: Hải quan, thuế, xuất nhập khẩu, du lịch - dịch vụ, công nghiệp, nông nghiệp... cũng đang tích cực từng bước triển khai mạnh mẽ ứng dụng CNTT và chuyển đổi số. Qua đó, sẽ đưa tỉnh tiến nhanh, tiến chắc trên hành trình chuyển đổi số toàn diện.

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết

Tìm kiếm

Cẩm nang
Bản tin cảnh báo COVID-19
Quý khách hàng đánh giá thế nào về dịch vụ y tế của chúng tôi?
Lượt truy cập
Lượt truy cập hiện tại : 5
Hôm nay : 2.422
Tháng 03 : 63.646